Những ngày gần đây giá vàng liên tục lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, thị trường chứng khoán cũng sụt giảm, mức sinh lợi của vàng đang trở thành thỏi nam châm hấp dẫn dòng tiền.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá vàng Việt Nam tăng mạnh theo đà của quốc tế. Giá vàng thế giới tăng cao do chỉ số chứng khoán giảm sút, xung đột chính trị tại nhiều khu vực kéo dài và dự báo lãi suất giảm đã khiến vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Trong khi đó, kinh tế vẫn khó khăn. 2 tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bật lên nhưng chỉ số kinh tế tháng 11/2023 của nhiều lĩnh vực cho thấy chưa thực sự khởi sắc như mong muốn.
Ở các kênh đầu tư, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, đầu tư khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang ít đơn hàng. Do đó dòng tiền có xu hướng chuyển sang tích trữ vàng. Tâm lý ‘cho rằng mua vàng còn giữ được giá cũng khiến nhiều người ưu tiên mua vàng hơn.
Bên cạnh đó, cuối năm luôn là thời điểm có nhu cầu mua tích trữ vàng lớn. Trong khi đó, nguồn cung vàng SJC chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp mà không được sản xuất thêm. Nguồn cầu cao và nguồn cung ít khiến giá tăng cao là điều dễ hiểu.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, thị trường chứng khoán "lình xình", bất động sản hoạt động trầm lắng, trong khi lãi suất huy động của ngân hàng càng ngày càng giảm, chỉ có ngoại tệ và vàng tăng cao.
"Khi mà nhà đầu tư không nhìn thấy cơ hội đầu tư nhiều, có lợi nhuận tốt, họ sẽ tìm đến vàng", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn, được nhiều người quan tâm nhưng dòng tiền đổ về sẽ không quá lớn vì vàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá vàng thường rất thất thường, lên cao đấy nhưng cũng có thể rớt ngay lúc đó. Trên thực tế, rất nhiều thời điểm giá tăng theo giờ nhưng bất chợt quay đầu giảm mạnh ngay trong ngày.
"Giá vàng tăng như thế không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Đại diện một doanh nghiệp bán vàng cho biết, sức mua vàng cuối năm theo như thông lệ khá lớn, với nhu cầu khác nhau như tích trữ, quà tặng, quà cưới, đầu tư...
Trong khi giá vàng đang quá cao, nhiều công ty kinh doanh vàng đã nới khoảng cách giữa giá mua và bán để sinh lời. Chênh lệch giá mua bán có thời điểm vượt 1,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này quá lớn khiến người mua sẽ bị rủi ro, đặc biệt là giới đầu cơ "lướt sóng".
"Nắm bắt được điều này, người tiêu dùng cũng sẽ tiết chế việc tích trữ để hạn chế rủi ro. Do vậy, dòng tiền đổ vào vàng dịp cuối năm tuy có nhưng sẽ không quá lớn", vị này chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra lời khuyên rằng người mua chỉ nên dành 30% ngân sách của mình vào vàng. Lý do là khoảng cách so với giá vàng thế giới quá cao, không chứng tỏ được giá trị thực và chênh lệch giữa mua - giá bán lớn.
Cuối ngày 21/12, giá vàng đã xô đổ mọi kỷ lục, tiến gần mốc 76 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 74,7 - 75,7 triệu đồng (mua - bán). Giá bán ra của vàng miếng SJC chỉ còn cách mốc 76 triệu đồng không xa.
Tương tự, Doji cũng niêm yết giá vàng giao dịch ở mức 74,55 - 75,6 triệu đồng/lượng (mua - bán); Tập đoàn Phú Quý niêm yết mức giá tương ứng 74,6 - 75,6 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu lúc này cũng niêm yết giá vàng miếng ở mức 74,57 - 75,54 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với kỷ lục 75,5 triệu đồng/lượng vừa lập được hôm qua, giá vàng miếng đã tiếp tục vọt lên đỉnh cao mới và đắt nhất từ trước đến nay.
Cùng ngày, giá vàng nhẫn cũng đã lập kỷ lục mới khi được niêm yết ở mức 61,75 - 62,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại các cơ sở kinh doanh vàng của công ty, sáng 20/12, lượng khách mua vào và bán ra có tỷ lệ lần lượt là 55% và 45%. Như vậy, tỷ lệ người mua vàng vào vẫn lớn hơn số người bán ra.