Những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2020, nhà anh Đặng Hồng Sung (Q. Hà Đông, Hà Nội) lúc nào cũng ngập trong "biển bánh", lá dong, đậu xanh và gạo nếp.
Lá dong rửa sạch, cắt sống lá, tước lá, để ráo nước từ chiều hôm trước. Còn thịt ba chỉ thì mua vào sáng sớm hôm sau cho tươi ngon. Trong dịp Tết nguyên đán, số lượng bánh chưng gia đình anh làm có thể lên tới 1000 chiếc bánh chỉ trong bốn ngày từ 26 đến chiều 30 Tết.
Vợ chồng anh Sung bận rộn gói bánh chưng phục vụ nhu cầu cúng lễ dịp Tết. Ảnh: Thu Hà
Tuy nhiên, phục vụ nhu cầu mua bánh chưng cúng lễ, chưa năm nào anh Sung cảm thấy lo thấp thỏm như năm nay.
"Ý tưởng bán bánh chưng nhà làm xuất phát từ công việc bán cháo đậu xanh, bánh chưng ăn sáng của gia đình. Nhiều người ăn thấy ngon đã đặt bánh chưng Tết. Từ đó đến nay đã năm năm, cứ ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, dịp Tết là cả gia đình cũng bận rộn, quây quần gói bánh. Bao năm nay chúng tôi vẫn bán với giá 80.000 đồng/ cặp bánh đặn thịt lợn, đậu xanh, gạo nếp.
Thế nhưng năm nay giá thịt lợn tăng quá cao khiến giá bánh chưng không thể giữ ở mức 80.000 đồng/ cặp như mọi năm", anh Sung cho hay.
Giá thịt lợn tăng vọt đã khiến giá bánh chưng tăng ăn theo. Ảnh: Thu Hà
Theo anh Sung, giá bánh chưng trên thị trường Tết năm nay sẽ bị đẩy lên từ 50 - 60.000 đồng/ chiếc. Chính vì việc tăng giá "bất đắc dĩ" đó khiến vợ chồng anh thấp thỏm lo lắng khi làm vụ Tết.
Lích kích chuẩn bị lá dong, đồ đậu xanh, vo gạo nếp... Ảnh: Thu Hà
"Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi đã chấp nhận tăng giá để tránh bị lỗ vì giá thực phẩm quá cao. Chỉ biết cố gắng chăm chút cho tấm bánh thật ngon để khách quen không quay lưng", anh Sung giãi bày.
Một chiếc bánh chưng nhà làm đầy đặn đậu xanh, gạo nếp, thịt lợn ba chỉ ngon có giá từ 60.000 đồng. Ảnh: Thu Hà
Bánh chưng xanh, một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thu Hà