Ngày 31/3, trong công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ sở sản xuất trên địa bàn TPHCM, UBND thành phố có nêu trường hợp của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân, có trên 80.000 công nhân, số lượng đưa đón hằng ngày trên 18.000 lao động. Ngoài 300 xe hiện hữu, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố thống nhất với công ty bổ sung thêm 394 xe để bảo đảm 20 người/xe.
Tuy nhiên, ngày 29/3, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên chín chỗ và xe du lịch trên chín chỗ có điểm đi, đến TPHCM từ ngày 30/3 đến hết ngày 15/4, dẫn tới “việc đưa đón công nhân hiện nay gặp khó khăn, công tác đảm bảo phòng dịch đưa đón công nhân cũng là một vấn đề lớn, chính nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng” - trích kiến nghị.
Ngày 8/4, có mặt tại khu vực Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, chúng tôi như lạc vào “ma trận” người và xe… gắn máy. Cái gọi là giãn cách xã hội bỗng trở nên xa xỉ, khoảng cách chuẩn 2m thu hẹp còn trên dưới 20cm! Hàng trăm, thậm chí cả ngàn công nhân chen chân trong giờ tan ca và đám đông ken đặc ấy duy trì trong khoảng 30 phút.
Chiều 8/4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID-19, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói: “Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây rủi ro cho an toàn người dân. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh thì mới được sản xuất”.
Trong 10 tiêu chí thuộc Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona (CRLN) tại doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM do UBND thành phố ban hành, có “số lượng công nhân làm việc tập trung”, “mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng, bình quân trên 1m2 mặt bằng phân xưởng”, còn số lượng lẫn mật độ người lao động trong giờ tan ca, tại khu vực chờ xe thì… chưa thấy!
Và ngày 9/4, chỉ số thực tế đã hiển thị: nguy cơ rủi ro lây nhiễm COVID-19 của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam lên đến 91% - đánh giá của đoàn công tác liên ngành TPHCM.
Trong khi, ngày 8/4, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Cùng với việc xác định nguồn lây phải thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, chuyên gia dịch tễ cảnh báo: “Phải tập trung việc phát hiện những ca bệnh tiếp xúc gần, có liên quan và cách ly, khoanh vùng dập dịch, đó là quan trọng hàng đầu”.
Trường hợp kiến nghị “giải lệnh” xe trên chín chỗ chưa được xem xét, khi lượng xe không đủ để đáp ứng vận chuyển, tăng lượng xe máy cộng với lượng người ùn ứ ở các giờ vào ca, tan tầm, sẽ là rủi ro rất lớn đối với cộng đồng Pouyuen Việt Nam, cảnh báo nguy cơ ổ dịch. Nên nhớ, công ty này có lượng đưa đón qua lại giữa các địa phương giáp ranh TPHCM như Long An, Tiền Giang, Bình Dương khá lớn.
Một khi đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nghĩa là đã xuất hiện F0, mất dấu vết truy nguyên thì cộng đồng cũng chính là ổ dịch tiềm năng. Không ngăn chặn ngay tức thời, quyết liệt những hiện tượng đám đông ken đặc như ở Pouyuen Việt Nam tại quận Bình Tân, không đình chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này ngay tức thời, mọi nỗ lực xuyên suốt, quyết liệt và trách nhiệm của thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19 dễ bị phá vỡ và đe dọa đến toàn cục.
Trong kiến nghị của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/3, có đưa ra con số dự báo và giải pháp để kiểm soát con số - ngưỡng an toàn: ở nhiều nước, mất 29 ngày để đạt 100 người nhiễm kể từ người nhiễm đầu tiên. 10 ngày kế tiếp là 1.000 người nhiễm. Nhưng sau 11 ngày kể từ khi có 1.000 ca là 8.000 người nhiễm. “Bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan, để không đạt mức 1.000 người trong vòng 10 ngày kể từ khi có 100 người nhiễm, tức là khoảng ngày 3/4 và tốt nhất là chỉ có dưới 500 người nhiễm vào ngày 3/4”.
Đến thời điểm này, ngày 9/4, Việt Nam có ca thứ 255, số chữa khỏi chiếm 50%. Tỷ lệ điều trị thành công cao cùng khả năng kiểm soát sự lây lan hiệu quả.
“Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân” - khẳng định của Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu chống dịch, ngày 27/1, tức mùng Ba Tết.
Phát triển kinh tế không mang mục đích tự thân, nó phải hướng tới phục vụ nhu cầu con người, trong đó “không gây rủi ro cho an toàn người dân” ngay lúc dịch bệnh đang xâm nhập cộng đồng là mục tiêu tối thượng.
Dừng lại thôi, ngay lúc này, ngay tại đây - Pouyuen Việt Nam!