Vợ chồng có cãi nhau thì mới hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.Tuy nhiên, cãi nhau như thế nào để mối quan hệ vẫn luôn vững bền thì không phải vợ chồng nào cũng làm được.
1. Nói không với bạo lực
Khi cả hai tức giận, vì không thể kiềm chế được bản thân nên có những lời nói dễ làm tổn thương nhau. Nhưng dù có nóng giận đến cỡ nào thì vợ/chồng cũng không được nổi nóng mà “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Tổn thương cả về thể xác và tinh thần sẽ không bao giờ lành lặn lại được. Sau này, khi đã làm hòa, vợ/chồng sẽ bị ám ảnh giây phút bạn đời của mình vô tình và đáng sợ như vậy.
2. Không “chiến tranh lạnh”
“Thà cãi nhau như một vụ nổ bom khủng bố, còn hơn im ỉm để rồi xa nhau” - Vợ chồng cần rõ ràng với nhau tất cả mọi khúc mắc và lí do tranh cãi. Sau cơn giận, vợ chồng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới không còn dây dưa với những điều đã cũ. Cả hai cần chia sẻ và nói hết những bực bội mà bản thân không hài lòng với đối phương. Việc im lặng sẽ khiến cả hai ngày càng ức chế và nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực trong gia đình.
3. Không chửi thề, đay khiến nhau
Mỗi vợ chồng sẽ có những “nguyên tắc chung về ngôn ngữ” mà cả hai quy định với nhau. Ví dụ như, không được gọi là “mày-tao”, không chửi tục hay lôi ba mẹ ra để miệt thị. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào vợ/chồng nên nhớ không vi phạm nguyên tắc này.
Lời nói thô tục, đay nghiến nhau khi cả hai đang tức giận khiến vợ/chồng cảm thấy bị xúc phạm và không được tôn trọng. Nếu không giữ được bình tĩnh sẽ có những hành động không đáng xảy ra. Nếu đã lỡ lời, nên xin lỗi ngay lập tức.
4. Không cãi nhau trước mặt người khác
Người ta vẫn thường nói dù có xảy ra bất cứ điều gì thì vợ chồng nên ở trong nhà đóng cửa bảo nhau. Cãi nhau trước mặt người khác khiến hình ảnh của cả hai trở nên vô cùng xấu xí. Người ngoài chẳng ai đồng cảm với cả hai mà còn “cười” vào mặt.
Đặc biệt, vợ chồng không được cãi nhau trước mặt con cái, nó làm con cái phải tổn thương và buồn bã khi biết tình cảm của bố mẹ đang rạn nứt.
5. Không nói từ li hôn/chia tay một cách tùy tiện
Nhiều vợ/chồng thường lấy li hôn ra để “đe dọa” đối phương mỗi khi không vừa lòng nhau. Việc làm này không những khiến đối phương tổn thương mà còn hiểu rằng bạn chẳng coi trọng mối quan hệ của cả hai. Khi đã nói những lời này quá nhiều, đối phương sẽ cảm thấy mệt mỏi và sẵn sàng hùa theo quyết định của bạn.
6. Không lôi chuyện cũ ra tranh cãi
Một khi đã chấp nhận và tha thứ thì hãy quên nó đi, chuyện cũ đã qua vợ/chồng đừng bao giờ nhắc lại để tiếp tục dày vò nhau. Sự cao thượng trước đây của bạn sẽ bị sụp đổ khi lần này bạn lại lấy tội lỗi của người khác để đay nghiến thêm lần nữa. Cuộc tranh cãi giữa vợ chồng sẽ ngày càng căng thẳng, khó có thể kết thúc và tìm được sự đồng cảm.
7. Phải bao dung cho người nhận lỗi trước
Nếu đối phương là người nhận lỗi trước, vợ/chồng nên thông cảm và tha thứ. Có nhiều trường hợp, họ không phải là người có lỗi nhưng họ vẫn chịu “xuống nước trước” bởi họ trân trọng mối quan hệ hơn cái tôi của mình. Nếu vợ/chồng biết chấp nhận và bao dung cho nhau, cả hai sẽ có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.