Hôm nay, cô cố tình mặc chiếc váy hoa màu xanh ra khỏi nhà. Hai bím tóc xinh xinh cứ đong đưa đong đưa trên lưng trông thật đẹp mắt.
Trên tay cô cầm chặt lá thư, thỉnh thoảng lại mở ra nhìn một cái. Theo những gì trong lá thư viết, qua hai khúc quanh thì cô phải lên xe buýt công cộng. Ngồi năm trạm rồi xuống xe, băng qua đường lớn sẽ có một con sông. Hãy đi dọc theo con sông đó, từ xa cô sẽ nhìn thấy một cây cầu dài. Đối diện cầu là một con ngõ nhỏ, chính là nơi mà cô cần đến.
Cô nhoẻn miệng tươi cười, thật xinh đẹp làm sao.
Hai tháng trước, lá thư này cô xem vẫn không hiểu gì vì chưa được đi học lớp xoá mù chữ. Dĩ nhiên càng chưa quen biết người một bụng đầy chữ như anh.
Hôm qua sau giờ tan học, anh đưa cho cô một phong thư. Trong đó anh vẽ một bức tranh người đàn ông đứng ở đầu cầu bên kia, phía trên có 3 chữ – là tên của anh. Anh sẽ ở đó chờ cô đến.
Thế nhưng khi cô vẫn chưa kịp đến nơi thì bỗng nhiên có một đôi tay kéo cô trở lại. Là anh trai của cô. Anh ta nói:
– Mẹ kêu em về nhà.
– Về nhà làm gì cơ?
– Anh không biết, nhưng em nhất định phải về.
Năm đó cô 18 tuổi. Từ nhỏ cô đã được bố mẹ hứa hẹn kết thông gia, đối tượng không ai xa lạ – chính là con trai của dì cô ở Thượng Hải. Chuyện hôn sự này đã được bố mẹ cô đồng thuận 100%. Cô chẳng thể nào từ chối, cho dù trong lòng đã yêu thầm thầy giáo trẻ tuổi của lớp xoá mù chữ mà cô đang theo học.
Cô nghe lời bố mẹ gả đến Thượng Hải xa xôi, cứ thế mười năm sinh bốn đứa. Vốn dĩ cô đã có thể làm mẹ hiền vợ đảm, gia đình ấm no như thế cả đời, nhưng chồng cô là nhân viên kỹ thuật cốt cán của công trường. Lúc đó công trường xây dựng dây chuyền thứ 3 cần người chi viện, thế là cả gia đình cô phải theo công trường mà chuyển đến vùng núi Vân Quý.
Điều kiện sống khi đó rất gian khó, nhưng cô vẫn một tay lo liệu trong nhà trên dưới chu toàn. Cô chỉ có một ước nguyện duy nhất, đó là đợi con gái út lớn hơn một chút thì cả nhà có thể rời khỏi nơi núi non hiểm trở này. Về Thượng Hải thì quá tốt, hoặc về nhà cô ở Hàng Châu cũng không sao.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, cô gái năm nào giờ đã thành bà lão già yếu, người chồng cũng đã bỏ bà mà ra đi trước. Những năm tháng cuối đời, bà cùng con gái út trở về Hàng Châu sinh sống.
Hôm nay, bà cố tình thắt chiếc khăn màu xanh hoa vỡ ra khỏi nhà. Mái tóc buông lơi được chải chuốt cẩn thận.
Bà bước đi rất chậm, thỉnh thoảng lại dừng bước ngẩng đầu trầm ngâm. Qua hai khúc quanh rồi lên xe buýt công cộng. Cũng không biết mình đã ngồi qua bao nhiêu trạm rồi, bà chậm rãi xuống xe. Đúng là có dòng sông thật này, bà men theo bờ sông mà đi, nước vẫn chảy dưới chân cầu. Những ngôi nhà tường trắng ngói đen, hương thơm ngào ngạt, thì ra ngõ nhỏ đó chính là một con phố ẩm thực.
Bà nhoẻn miệng cười, những nếp nhăn trên khuôn mặt cũng theo nụ cười mà giãn ra.
Hôm đó từ sáng đến tối, trên con phố ẩm thực người đến kẻ đi vô cùng tấp nập. Chẳng ai chú ý đến một bà lão già cứ đi rồi dừng lại ngồi xuống, không ăn không uống, lưu luyến cả ngày dài.
Cho đến khi trời tối hẳn, người thưa dần, ông chủ của một tiệm mì nhỏ nhìn thấy bà như thế mà quá đỗi đau lòng, liền bước đến thăm hỏi.
– Bà ơi, vào đây ăn bát mì nhé.
Ăn xong bát mì nóng, bà cũng chẳng hề có ý định rời đi, bất giác lẩm bẩm:
– Anh ấy nói sẽ ở đây chờ tôi mà.
Ông chủ quán mì không biết phải làm sao, chỉ có thể gọi cảnh sát tới giúp đỡ. Khi xe cảnh sát đến rồi, bà lão từ chối lên xe, miệng vẫn không ngừng nói:
– Anh ấy nói sẽ ở đây chờ tôi mà…
Bà gần như đã sắp khóc. Vị nữ cảnh sát với vẻ mặt ôn hoà cất tiếng hỏi:
– Bà ơi bà, bà cố nhớ lại xem là ai nói đợi bà? Chúng cháu sẽ giúp bà đi tìm họ.
Bà đưa tay vào túi mò mẫm gì đó, rồi như chợt nhớ ra, à lúc ra cửa bà có mang theo một mảnh giấy. Trên đó vẽ một bức tranh, người đàn ông đứng ở đầu cầu bên kia, phía trên có 3 chữ – là tên của ông ấy. Ông ấy sẽ ở đó chờ bà đến…
Thế nhưng con đường này lại quá dài, bà đã đi hết một đời người rồi…
Vị nữ cảnh sát đầy cảm thán kể cho tôi nghe: “Bà lão chỉ mới học lớp xoá mù chữ có vài buổi mà có trí nhớ như vậy đúng là kinh ngạc. Ông lão trong lá thư quả thực cũng từng sống ở khu vực này. Nhưng tiếc là khi chúng tôi tìm được đến nhà thì ông ấy đã qua đời mất rồi…”
Người đi cùng bạn những năm tháng thanh xuân chưa chắc sẽ đi cùng bạn đến cuối cuộc đời. Nhưng người đi cùng bạn đến cuối cuộc đời chưa chắc là người khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Vốn dĩ không có chuyện sai người hay sai thời điểm, quan trọng là trong lòng bạn yêu ai nhiều nhất. Đừng mãi sống vì hi vọng của người khác mà bỏ qua cảm xúc của chính mình, bởi vì:
“Đôi khi lỡ hẹn một giờ,
Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm”
Vợ chồng có phải vạn sự tùy duyên?
Có lẽ trong đời người chúng ta đã chiêm nghiệm rất nhiều hoàn cảnh yêu. Không ai muốn nhưng do vô tình hay hoàn cảnh đưa đẩy để tình yêu trở thành một niềm đau. Trong tình yêu hình như đâu đâu cũng đã được ông trời định duyên. Duyên đến, duyên ở hay duyên đi dường như cũng đều do số phận sắp đặt. Hai người đến với nhau thường vì cảm thấy thích nhau ở một vài điểm gì đó. Cho dù thế nào thì việc hai bên thích nhau cũng phản ánh một điều là hai bên có duyên với nhau rồi. Còn cái duyên đó có đi đến được hôn nhân không thì lại là chuyện khác.
Có duyên thì sẽ gặp được nhau. Nhờ chữ duyên mà người ta gặp nhau và yêu nhau kể cả trong những hoàn cảnh bất ngờ nhất: gặp nhau ở trên cùng một chuyến xe, do giới thiệu, mối lái, gặp nhau do tình cờ cùng gặp một người bạn lâu ngày ta gặp lại, một người chơi lâu với ta và ta cứ coi như là bạn để rồi một ngày ta tình cờ nhận ra đó là người phù hợp với ta.
Đến được với nhau lúc đầu rồi cũng tiếp tục cần chữ “duyên” để sau đó hai người có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách (từ phía gia đình, bố mẹ, bạn bè và từ chính bản thân…) để nên duyên vợ chồng. Còn đi đến được hôn nhân hay không và sau đó hôn nhân có hạnh phúc hay không là do chữ nghiệp, chữ nợ: Nếu nghiệp tốt thì ta sẽ gặp được người ưng ý.
Nhưng hưởng được hạnh phúc bao lâu, dài hay ngắn tự bản thân mình cũng góp phần vào đó. Chọn được người bạn đời tốt mới chỉ đi được 50% chặng đường, 50% còn lại do mình vun đắp, nếu mình bỏ bễ quá thì tự tình yêu cũng sẽ “tiêu”.
Nếu nghiệp xấu thì ta sẽ phải trả nợ, nợ ngắn, nợ dài, nợ nhiều nợ ít, cũng là tùy phúc phận và sự nhường nhịn, chịu đựng, tha thứ của mỗi người. Người mình lấy làm vợ (làm chồng) có thể không phải là người mình yêu nhất, có thể cũng không phải là người yêu mình nhất, mà chỉ đơn giản là họ đến đúng vào cái thời điểm cả hai cùng muốn lập gia đình.
"Nếu bạn không còn yêu một người, xin hãy buông tay để người khác có cơ hội yêu cô ấy, nếu người bạn yêu bỏ rơi bạn, xin hãy giải thoát cho chính mình, để mình có cơ hội yêu người khác. Câu nói thẳng thắn nhưng rất có đạo lý, đã dạy cho chúng ta cách cư xử đúng đắn trong tình yêu.