Đối mặt với những hành động đòi hỏi vô cớ của trẻ, dù cha mẹ thông thái đến đâu cũng sẽ mất bình tĩnh. Mắng con cái tuy không được khuyến khích nhưng nó được xem là điều rất bình thường trong quá trình dạy con. Nhưng cha mẹ có bao giờ thử quan sát thái độ của con sau khi bị mắng? Trẻ im lặng hay tức giận nói lại?
Một đứa trẻ thỉnh thoảng mới bị la mắng sẽ không có gì to tát. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, phản ứng trong tiềm thức của chúng thể hiện rất nhiều điều, ở một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng tới tính cách của trẻ sau này.
Trẻ im lặng sau khi bị mắng
Nếu trẻ có thái độ im lặng sau khi bị mắng, cha mẹ đừng nghĩ rằng điều này là do chúng biết nhận ra lỗi sai của mình. Thay vào đó, trẻ im lặng có thể vì đang khiếp sợ hoặc giả vờ để làm hài lòng cha mẹ.
Những đứa trẻ như vậy có thể gặp phải những vấn đề sau:
Nhạy cảm, mặc cảm
Trẻ bị mắng chứng tỏ chúng đang làm gì đó xấu hoặc sai, nếu bị cha mẹ khẳng định điều này, chúng có thể cảm thấy mình không thể làm bất cứ điều gì đúng đắn.
Trẻ không đủ dũng khí để phản bác lại những lời mắng mỏ của cha mẹ và sẽ chỉ âm thầm chịu đựng trong lòng. Những đứa trẻ như vậy thường có ý thức thấp về giá trị bản thân và do đó trở nên kém cỏi và nhạy cảm.
Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Một đứa trẻ im lặng sau khi bị la mắng thường khiếp sợ trước uy quyền của cha mẹ, không dám nói lại bất cứ câu nào. Vì quá sợ hãi nên dù làm đúng hay sai, trẻ cũng không dám nói với cha mẹ những gì đã xảy ra với mình. Trẻ không biết liệu khi mình nói ra có nhận được sự ủng hộ hay tiếp tục bị cha mẹ chỉ trích, mắng mỏ.
Điều này khiến trẻ ngày càng trở nên thờ ơ, im lặng, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn. Khi trẻ lớn lên, cha mẹ sẽ thấy con mình ngày càng xa cách và không thể bước chân vào thế giới của chúng.
Trẻ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội
Khi bị mắng nếu trẻ lúc nào cũng im lặng, chịu đựng, không dám bộc lộ bất cứ điều gì, chúng có xu hướng dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt vì không có khả năng chống trả, chỉ biết chịu đựng một mình. Một số đứa trẻ có suy nghĩ sợ bị xã hội làm hại tới mình, sống trở nên khép kín và ngại kết bạn.
Trẻ im lặng khi bị la mắng có thể trở nên rụt rè và hèn nhát. Sau này khi bước vào xã hội, không dám thể hiện mình, không dám lên tiếng phản đối người khác, rất dễ gây ra những hành động sai trái.
Vì vậy, những đứa trẻ quá nghe lời chưa chắc đã là một điều tốt.
Trẻ có thái độ nói lại sau khi bị mắng
Mặc dù việc nuôi dạy những đứa trẻ nổi loạn có khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu. Nhưng so với những đứa trẻ luôn im lặng khi bị la mắng, cha mẹ không cần quá lo lắng.
Những đứa trẻ có thể nói lại thường có những đặc điểm sau
Dám thể hiện bản thân
Một đứa trẻ có thể nói lại sau khi bị mắng cho thấy trẻ là người hướng ngoại và dám thể hiện bản thân. Khi cảm thấy mình bị đối xử bất công, trẻ có thể nói ra và bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình.
Chỉ khi con dám bày tỏ thì người khác mới thấy được nhu cầu của con và tôn trọng ý kiến của con. Một đứa trẻ như vậy khi ra ngoài xã hội, nếu gặp phải những đối xử bất công sẽ dám đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Giải tỏa cảm xúc kịp thời
Nhiều trẻ không dám nói lại sau khi bị mắng mà chỉ im lặng chịu đựng, nhưng thật ra, chúng đang kìm nén nỗi buồn trong lòng. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ trở nên kìm nén và sống nội tâm, hoặc sẽ đợi cho đến một thời điểm nào đó bùng phát.
Còn đứa trẻ dám nói lại, thực ra lúc này chúng đang trút hết cảm xúc tiêu cực của bản thân, chỉ một lát sau sẽ bình tĩnh trở lại. Trẻ có tính cách hướng ngoại và không tích tụ cảm xúc tiêu cực trong lòng.
Cha mẹ nên giao tiếp với con nhiều hơn
Thực tế, việc trẻ nói lại và im lặng đều cho thấy có những trở ngại trong giao tiếp của cha mẹ với trẻ.
La mắng con cái không được khuyến khích trong quá trình nuôi dạy con đúng cách. Tuy nhiên, khi con cái gặp một vấn đề nào đó, điều trước tiên cha mẹ cần làm là bình tĩnh hỏi con cái những gì đã xảy ra. Việc giao tiếp đúng cách sẽ giúp trẻ cởi mở và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Khi cha mẹ không đồng ý với con điều gì, nếu mắng mỏ sẽ khiến trẻ càng cứng đầu. Thay vào đó, nếu cha mẹ có thể bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình, trẻ sẽ sẵn sàng suy nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc hơn.