Tâm lý người Việt, ngày Tết cần có mâm cao cỗ đầy, món ngon vật lạ… là một sự mặc định. Đói quanh năm cũng phải “no ba ngày Tết”. No đủ trong ba ngày Tết với đời sống người Việt không chỉ là ăn lấy no, lấy ngon mà còn có ý nghĩa về một sự sung túc, may mắn cả năm.
Ấy vậy nhưng trong cái… chuyện kia thì “đói ba ngày Tết” lại là việc rất thường khi. Danh sách các việc gắn liền với Tết ngoài chuyện cỗ bàn còn là thắp hương đầu năm mới, đi lễ chùa, xông đất, hái lộc… Làm gì có chuyện “thì thầm bên gối” mà xen vào được. Thậm chí, còn rất nhiều người có quan niệm cần kiêng mấy ngày Tết để tránh xui xẻo cho cả một năm. Năm nào cũng vậy, trên các báo và mạng xã hội, chỉ cần gõ cụm từ: Có nên kiêng tình dục (chuyện ấy) vào ngày Tết/ mùng một Tết là bạn đã tìm thấy vô vàn kết quả, trong đó có cả lời khuyên của các bác sĩ.
Danh sách các việc gắn liền với Tết ngoài chuyện cỗ bàn còn là thắp hương đầu năm mới, đi lễ chùa, xông đất, hái lộc…(ảnh Internet)
Áp lực của những bộn bề gần Tết khiến cho mọi người có phần dễ nóng giận hơn, hoặc ít quan tâm đến nhau hơn. Tình dục- với những lợi ích giải tỏa, thư giãn đã được y học công nhận- giúp cả hai gần gũi, gắn kết nhau và giải tỏa áp lực. Khước từ ân ái trong những ngày này phải chăng chúng ta đã bỏ qua một cơ hội để làm lành, để yêu nhau hơn? Hơn thế, các chuyên gia tình dục học vẫn khuyên bạn: Sex is sport (Tình dục là thể thao- ý nói luôn cần sự luyện tập đều đặn). Tình yêu thật ra không chỉ thuộc về tâm lý, nó còn có cơ sở thể chất, đúng hơn, đó là một sự liên kết tâm lý - thể chất vô cùng chặt chẽ. Nói như nhà triết học Đức Nietzsche: “Trong một tình yêu đích thực, chính tâm hồn bao bọc lấy thân thể”.
Chuyện vợ chồng suy cho cùng luôn là câu chuyện riêng của từng cặp đôi. Chỉ cần chúng ta không sống với những định kiến và thuận theo tự nhiên thì việc “đói” hay “no” trong thời điểm nhạy cảm như Tết không quá quan trọng. Vì đói- no cũng là câu chuyện của cảm giác nữa. Chả hạn, dù bận Tết đến đâu, vẫn dành một khoảng thời gian ngồi bên nhau chỉ hai người, tặng nhau món quà- bất ngờ thì càng tốt dù hai người đã là vợ chồng từ lâu, nhâm nhi tách cà phê nóng hổi. Ái tình không chỉ là chuyện “kéo cưa lừa xẻ”, các nhà tâm lý học tình dục đã nói mòn mỏi về điều này. Hai bàn tay nắm chặt lấy nhau đôi khi còn có giá trị gắn kết hơn cả ân ái. Nó là khoái cảm của bình yên, điều mà bất cứ một tâm hồn con người nào cũng khao khát.
Dù bận Tết đến đâu, vẫn dành một khoảng thời gian ngồi bên nhau chỉ hai người...
Thực tế là rất nhiều cặp vợ chồng đã không hề… động vào nhau trong cả một cái Tết dài. Nhưng còn có một thực tế khác, qua câu chuyện của các bác sĩ nam khoa. Cuộc sống quả thực lấp lánh muôn màu, vấn đề là chúng ta nhìn từ hệ quy chiếu nào mà thôi.
Bác sĩ Nguyễn Thế Lương (bệnh viện Thận Hà Nội) kể chuyện về ca cấp cứu tối mùng 2 Tết mấy năm trước. Nạn nhân là một thanh niên 28 tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng kiệt sức, ngất xỉu, da nhợt nhạt, niêm mạc nhợt, chân tay lạnh ngắt, nhịp tim trên 100/phút. May mắn là anh chàng đã dần hồi tỉnh sau khi được truyền nước bù điện giải. Hóa ra, thanh niên lấy vợ đã 2 năm nhưng thời gian gần nhau chỉ được vài tháng, do công việc. Bởi vậy mỗi lần gặp nhau là… quần quật cả một ngày cho bõ những lúc xa cách. Ngày Tết thì cả hai cùng được nghỉ, bố mẹ đều ở quê xa, vợ chồng trẻ lại chưa có con, lâu ngày gặp nhau cứ như khát nước mà càng uống lại càng khát. Lời khai chính xác mà bác sĩ được nghe là câu chuyện diễn ra từ trưa 30 đến tối mùng 2. Như vậy là hầu như trong 50 giờ đồng hồ, họ chỉ làm mỗi một việc, ngày chỉ ăn có một bữa. Ban đầu còn đếm được, sau thì không đếm nổi. Chắc quãng 24-25 lần gì đó, bệnh nhân ngượng nghịu tự thú với bác sĩ.
Có lẽ do còn trẻ nên anh ta hồi phục nhanh. Bác sĩ theo dõi qua đêm hôm đó, sáng hôm sau cho bệnh nhân về với lời dặn dò: Tạm thời kiêng “chuyện ấy” 4,5 hôm, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nên mở rộng sang các hoạt động khác như đi thăm họ hàng, tránh cả ngày chỉ tập trung vào “yêu”.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên (Bệnh viện E Hà Nội) thì nhớ mãi câu chuyện cách đây 7 năm, từ khi anh còn làm ở khoa Ngoại bệnh viện ĐH Y về một bệnh nhân 45 tuổi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dương vật bị bầm tím, phù nề, gập góc… Thực tế là sau lễ hóa vàng ngày mùng 4 Tết, trung niên đã “yêu” vợ trong tình trạng chuếnh choáng hơi men và đã gặp hạn vì một cuộc giao hoan mạnh mẽ, có chủ ý… đổi mới tư thế. Bệnh nhân được xác định đã bị “gãy súng” do quan hệ sai tư thế, cần phải được mổ ngay.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi- người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nam khoa- khi còn là Giám đốc chuyên môn bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội chia sẻ ông đã từng phải rời nhà đến viện ngay trong dịp Tết để cấp cứu cho một nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mùi rượu bia vẫn còn nồng nặc, “cậu nhỏ” đã chuyển sang màu sim tím… Ca bệnh được chẩn đoán gãy vật hang nên được chỉ định can thiệp phẫu thuật lấy máu tụ.
Cả ba trường hợp kể trên đều may mắn được điều trị thành công. Những tai nạn tương tự cần phải được các bác sĩ có chuyên môn sâu về nam học xử lý, bởi từng khâu như lấy máu tụ, băng ép, phẫu thuật giấu sẹo… đều đòi hỏi phải xử lý tinh tế, tránh những di chứng cả về tâm lý của bệnh nhân về sau.
Dĩ nhiên, những câu chuyện “tai nạn” như các bác sĩ nam khoa kể trên không chỉ xảy ra trong dịp Tết. Nhưng thời khắc đặc biệt này khiến câu chuyện trở nên khó quên hơn trong hành trình làm nghề của các bác sĩ. Và cũng phải thừa nhận những ngày đầu năm mới là thời điểm khá nhạy cảm. Khi ấy con người có xu hướng thả lỏng bản thân, lòng như cũng phấn chấn cùng với nhịp đập của đất trời và việc hân hoan muốn làm một điều gì đó mới mẻ- bao gồm thử một tư thế “yêu” mới- cũng là hợp lẽ tự nhiên vậy. Sự cuống quít yêu đương khi mùa xuân tới là thế này kia mà:
“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. (Xuân Diệu)
Chuyện vợ chồng suy cho cùng luôn là câu chuyện riêng của từng cặp đôi. Chỉ cần chúng ta không sống với những định kiến và thuận theo tự nhiên thì việc “đói” hay “no” trong thời điểm nhạy cảm như Tết không quá quan trọng.