Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết khoa mỗi ngày tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhi, có bé chưa đầy một tháng tuổi. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều bệnh nhi từ các tỉnh được chuyển về đây điều trị.
Theo bác sĩ Khanh, dịch thủy đậu thường xuất hiện từ đầu năm đến khoảng tháng 6. Năm nay, đầu mùa dịch, lượng trẻ nhập viện tăng cao. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 43 bệnh nhi từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là người mẹ không chích ngừa hoặc tiêm chủng thủy đậu không đầy đủ, khi mắc bệnh tiếp tục lây cho con.
Bác sĩ lưu ý phụ nữ có thai trong thai kỳ khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên nếu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho bé. Trẻ sơ sinh bị thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Một số triệu chứng thủy đậu như nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, hai tay và thân. Các dấu hiệu này thường xuất hiện trong 24 tiếng, kích thước mụn nước từ 1-3 mm, chứa dịch trong, thậm chí là mủ.
Ở trẻ nhỏ, bệnh thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn. Đối với người lớn hay trẻ lớn, bệnh gây sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước nhưng không để lại sẹo.
Theo thống kê Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2017 cả nước có gần 39.000 ca mắc thủy đậu, tăng hơn 45% so với năm trước. Cơ quan y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý tiêm vắc xin sớm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.