Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, bệnh sốt xuất huyết trong tháng 10 tăng hơn 125 % số ca nhập viện so với cùng kỳ năm ngoái và đang diễn biến bất thường trong đợt cao điểm.
Về bệnh tay chân miệng, tính đến hết tháng 10, trên địa bàn có 5.678 trường hợp nhập viện điều trị nội trú, tăng 19,7% so với năm 2017. Còn số ca điều trị ngoại trú gấp 6 lần với hơn 31 ngàn 800 ca bệnh.
Trước tình hình gia tăng các ca bệnh tay chân miệng, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong phòng chống tay chân miệng thì 2 vấn đề ưu tiên hàng đầu nhất là vấn đề cách ly tại nhà, tại trường; 2 là rửa tay.
"Không chỉ triển khai tập huấn rửa tay mà quan trọng hơn là làm sao cho các cháu hình thành thói quen rửa tay đúng cách", ông nói.
Ngoài ra, bệnh sởi vẫn tiếp tục gia tăng với trung bình 60 ca/tuần, hầu hết là trẻ em, trong đó có đến 62% số trẻ không được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Qua rà soát cho thấy, hoạt động phòng chống sởi trong 2 năm 2016 và 2017 ở một số địa phương như quận 8, Bình Chánh, Hóc Môn... tỉ lệ trẻ tiêm ngừa sởi đạt dưới 60%.
Vì vậy, theo ông Hưng các địa phương cần rà soát vấn đề tiêm chủng kỹ lưỡng. Tiến hành tiêm vét cho trẻ phòng bệnh. Phối hợp với trường học chống dịch tại trường học, quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh và thu thập hồ sơ tiêm chủng chưa đồng bộ.
Đến nay vẫn còn 5 quận, huyện chưa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm để phát sinh lăng quăng, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở.
Tính hết tháng 10/2018, thống kê các địa phương đã ban hành 206 quyết định xử phạt các đơn vị vi phạm trong việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó riêng tháng 9 lập 43 biên bản, còn tháng 10 thực hiện 73 biên bản xử phạt vi phạm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng nhìn nhận, một số địa phương còn lơ là trong công tác xử phạt vi phạm để phát sinh ổ lăng quăng, còn duy trì tư tưởng “người dân mắc bệnh sốt xuất huyết là do đi tới khu vực khác bị muỗi đốt, chứ không phải do địa bàn mình có muỗi” nên ỷ lại. Chính vì lý do này nên dịch bệnh vẫn lây lan.