Ngày 6/11, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, sau hơn 2 tháng xạ trị, tình trạng khối u bướu cổ tử cung của bệnh nhân N. đã có dấu hiệu ổn định và đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
“Trường hợp này, do bệnh nhân đã có một bé trai, không có nguyện vọng sinh con tiếp nên chúng tôi sẽ tiến hành cắt bỏ tử cung, cắt nạo hạch cho bệnh nhân khả năng điều trị thành công, sống trên 5 năm là khoảng 60%”, bác sĩ Tiến nhận định.
Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung được xác định là do vi rút HPV gây ra. Loại vi-rút này thường lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, qua tiếp xúc với dịch chứa vi-rút… Điều đáng lưu ý là khi nhiễm vi rút HPV, chỉ có 10-15% người mắc bị diễn tiến gây ung thư cổ tử cung, quá trình gây ung thư phải từ 10 đến 20 năm.
Vì vậy, thường thì ung thư cổ tử cung sẽ gặp ở độ tuổi trung niên, tiền mãn kinh… chứ ở độ tuổi ngoài 20 thì trước đây ít gặp. Thời gian gần đây, xuất hiện các trường hợp ung thư cổ tử cung ở bệnh nhân có tuổi đời còn khá trẻ.
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 5.100 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và khoảng 2.400 người chết. Năm 2014, Việt Nam có trên 35 triệu em gái và phụ nữ từ 15 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.