Chế độ ăn uống ngày Tết thường không điều độ với những món ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia,... sẽ gây ra rối loạn sự cân bằng trong quá trình chuyển hóa chất béo, một trong những điều kiện phát sinh béo phì và gan nhiễm mỡ.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Ngọc Tuấn - Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trên infonet cho biết, trong số 100 người thì có tới 30 người bị gan nhiễm mỡ. Tỷ lệ này thường gia tăng sau Tết, đa số người bệnh phát hiện ra bệnh qua khám sức khỏe định kỳ.
Gan nhiễm mỡ tức là lượng mỡ chiếm tới hơn 5% trọng lượng gan. Trong giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng thoáng qua.
Gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Ở cả hai nhóm người ta đều nhận thấy các tế bào gan chứa đầy các hạt mỡ. Gan nhiễm mỡ do rượu là một giai đoạn trong quá trình tiến triển của bệnh gan do rượu. Nếu không điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm và xơ gan rượu. Nếu để nặng hơn có thể dẫn tới căn bệnh ung thư gan cực kỳ nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ
Giai đoạn đầu: Biểu hiện khá mờ nhạt, chỉ khi đi siêu âm, xét nghiệm máu hoặc chụp cắt lớp mới phát hiện được. Tuy nhiên, một số trường hợp gan nhiễm mỡ có thể gặp các dấu hiệu như: mệt mỏi, đau tức hoặc nặng vùng gan.
Giai đoạn sau: sẽ có các dấu hiệu: đau bụng, vàng da, nôn và buồn nôn. Lúc này, bệnh gan nhiễm mỡ đã tiến triển nặng và quá trình điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn.
Đối tượng dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Trước sự nguy hiểm của bệnh gan nhiễm mỡ do dấu hiệu âm thầm và có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, bác sĩ chỉ ra nhóm đối tượng dễ mắc phải tình trạng này để chúng ta biết mà đề phòng.
Người uống nhiều bia rượu: Nếu uống quá nhiều rượu bia sẽ gây quá tải cho gan, làm chậm quá trình chuyển hóa bên trong sinh ra chất độc. Uống rượu bia cũng ảnh hưởng tới quá trình chuyển hoá mỡ ngoài gan, các chất mỡ này tích tụ ở tạng và gan gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.
Người béo phì dư cân: Do gan phải liên tục làm việc trong thời gian dài để hóa axit béo dẫn đến tình trạng quá tải, gây tích tụ các tế bào mỡ lưu trữ trong gan và ảnh hưởng tới chức năng và hoạt động của gan.
Người bị đái tháo đường: Ở Việt Nam có khoảng 30% bệnh nhân đái tháo đường sẽ diễn tiến thành xơ gan và ngược lại 96% bệnh nhân mắc xơ gan có tình trạng rối loạn đường huyết. Gan là cơ quan chuyển hóa đường và chất béo cho cơ thể nên 2 bệnh lý này có cơ chế bệnh sinh chồng lấp với nhau.
Người bị rối loạn lipid máu: Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, chúng thường đi cạnh nhau và có cơ chế gây bệnh. Các rối loạn mỡ máu có liên quan đến sự hiện diện và mức độ trầm trọng của bệnh gan nhiễm mỡ.
Những thực phẩm giúp phòng chống và tốt cho bệnh gan nhiễm mỡ
Các loại rau xanh, hoa quả tươi: Những thực phẩm này có chất xơ kích thích nhu đường ruột, tránh táo bón, và phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau xanh cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các loại vitamin A và E có tác dụng tránh tích tụ thêm mỡ trong gan.
Các loại trà atiso, trà nụ vối, lá sen: Chúng có tác dụng giảm lượng mỡ trong gan, thanh nhiệt, điều hòa cơ thể đồng thời chống tích tụ mỡ ở gan.
Protein và sữa: Các protein tốt nhất để duy trì cân nặng và giảm cân là từ nguồn thịt nạc như: Thịt gia cầm, trứng, đậu nành, cá, hải sản, các loại đậu đỗ. Các sản phẩm từ sữa lành mạnh bao gồm ít chất béo hoặc sữa không béo, sữa chua và phô mai nên được bổ sung trong thực đơn cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ.
Thực phẩm chứa ít cholesterol: Thực phẩm giàu axit béo omega như cá béo, dầu oliu và các loại hạt được khuyến cáo để giúp điều trị gan nhiễm mỡ.
Đặc biệt bác sĩ cũng lưu ý 4 nhóm đối tượng nêu trên cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, dự phòng gan nhiễm mỡ.