Gần đây ba trẻ vị thành niên đã tự tử, trong đó hai em gieo mình từ tầng cao của chung cư. Dư luận cho rằng nguyên nhân của sự việc thương tâm này do trầm cảm - căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi vị thành niên.
Chưa nhận thức đúng về trầm cảm
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho hay nhiều gia đình chưa nhận thức đúng về trầm cảm, không coi đây là một bệnh.
Một số trẻ giao tiếp bình thường với bạn bè, họ hàng nhưng khi về nhà lại cau có, khó chịu, gắt gỏng, mất tập trung. Cha mẹ chủ quan với những biểu hiện này dẫn đến tình trạng con mắc bệnh nhưng không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Bác sĩ này từng tiếp nhận một trường hợp trẻ bị trầm cảm nhưng 6 năm sau mới đi khám vì cha mẹ nghĩ con hoàn toàn bình thường. Trẻ thường suy nghĩ tiêu cực, muốn buông xuôi, thấy cuộc sống vô nghĩa, học hành giảm sút.
May mắn, trẻ tự hồi phục được. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trẻ xuất hiện thêm những dấu hiệu có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Thu chia sẻ nếu con hay cáu gắt, căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, rối loạn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít), mất tập trung, xung đột với người thân, áp lực học tập, không hứng thú với sở thích cũ, cha mẹ cần đưa con đi khám tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trầm cảm là rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần như cảm xúc, tư duy, vận động.
Trầm cảm thường được biểu hiện bằng giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng, lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi, giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần.
Bệnh thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn chán, tự ti, cảm thấy không xứng đáng, bi quan, có hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều.
Khoảng 2% trẻ mắc trầm cảm. Ở lứa tuổi vị thành niên tỷ lệ này dao động từ 5-8% phổ biến với trẻ sau tuổi dậy thì.
Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm gồm gia đình có người mắc rối loạn cảm xúc, có một đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, quan hệ bạn bè, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, bị bắt nạt, dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội.
Làm thế nào để phát hiện sớm?
