Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Y Dược học Dân tộc TP HCM cho biết bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, thường khởi phát triệu chứng ở người trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh nhưng có thể do một số yếu tố phối hợp. Ở yếu tố di truyền, khi cha mẹ bị tâm thần phân liệt thì tỷ lệ các con mắc bệnh tăng 12%. Chất hóa học trong não như dopamine góp phần gây ra bệnh và yếu tố môi trường xung quanh quá nhiều stress có thể thúc đẩy bệnh tái phát nhanh hơn.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt:
Hoang tưởng
Người bệnh thường có những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế. Thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ nghe được tiếng nói không có thật và thường chống lại chúng. Có lúc lời nói làm người bệnh nghi ngờ và xa lánh với mọi người. Có khi tiếng nói có thể làm người bệnh mỉm cười, tự cười không duyên cớ.
Dần cách ly với xã hội
Người trẻ tuổi khi tiến triển thành bệnh tâm thần phân liệt thường nhốt mình trong phòng kín, bất động, ngủ nhiều vào ban ngày và hoạt động về đêm. Người lớn tuổi hơn có thể giảm giao tiếp với người thân, sợ thức ăn và nước uống vì cho rằng có người hại mình.
Giảm hiệu suất làm việc
Người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc tập trung chú ý, không thể dậy sớm và đi làm đúng giờ, làm việc chậm chạp, kém hiệu quả.
Bận tâm quá mức tới cơ thể
Những người trẻ thường lo lắng một cách thái quá về sự thay đổi của cơ thể như tăng cân, mọc mụn... Họ có thể đứng hàng giờ trước gương để kiểm tra mụn, tự hỏi về hình dáng mắt mũi miệng của mình. Đây là một trong những triệu chứng sớm của tâm thần phân liệt.
Trầm cảm
Người mắc bệnh không còn quan tâm thích thú với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống vô vị, ăn không ngon, giấc ngủ bị rối loạn.
Thay đổi hoạt động
Bệnh có thể bắt đầu bằng sự suy sụp trong hoạt động, người bệnh trở nên thờ ơ, mệt mỏi và nằm trên giường suốt ngày. Có người ít ở nhà, hay đi lang thang và trở về với dáng vẻ lôi thôi, kiệt sức.
Rối loạn tư duy
Thay đổi quan hệ với người thân, không còn tình cảm với cha mẹ, vợ chồng. Người bệnh có thể nói về sự mất mát người thân một cách rất dửng dưng, nhưng có thể khóc sướt mướt khi nói về một vấn đề không quan trọng.