Phủ công bác sĩ
Chị Nguyễn Thị L. (Đà Nẵng) bị ung thư và đã thực hiện hóa trị, xạ trị. Sau khi điều trị bệnh xong, chị L. được bạn từ nước ngoài gửi tặng sản phẩm thực phẩm chức năng uống. Với tâm lý chẳng còn gì để mất nên chị L. thử và kết quả thật bất ngờ. Sau 1 tháng sử dụng sản phẩm này, chị L. có làn da sáng bóng ai cũng ngỡ ngàng. Không ai còn thấy chị là bệnh nhân vừa trải qua cuộc điều trị ung thư.
Chị L. tiếp tục dùng thực phẩm chức năng, 2 tháng sau đi kiểm tra sức khỏe xét nghiệm không còn tế bào ung thư. Chị L. cũng bất ngờ với kết quả xét nghiệm này. Bệnh ung thư đã rời khỏi chị và chị tin rằng sản phẩm thực phẩm chức năng mình uống có kết quả tốt.
Câu chuyện của chị L. nhanh chóng được cộng đồng bệnh nhân ung thư và người nhà chia sẻ và họ coi đây là phép màu cho người bệnh ung thư. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui của chị L. là lo lắng của các bác sĩ chuyên ngành ung thư.
Mỗi ngày đều gặp nhiều ca bệnh nặng vào khám bệnh lại sau 2, 3 tháng bỏ bệnh viện về nhà trị bệnh bằng thực phẩm chức năng, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Khoa Ung Bướu Bệnh viện Thủ Đức, cho rằng người bệnh không nên tin vào các quảng cáo thực phẩm chức năng mà bỏ bệnh viện bởi như thế họ đã làm mất cơ hội điều trị ung thư. Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư được cả thế giới công nhận chỉ có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp sinh học, thuốc nhắm đích và từng bệnh nhân sẽ được đưa ra phác đồ điều trị khác nhau.
Bệnh nhân đã được điều trị hóa chất và xạ trị đang trong quá trình bình phục và tiêu diệt các tế bào sót lại, đó là thành công của tây y, không phải của thực phẩm chức năng. Nhiều người bệnh đã lầm tưởng điều này và thần thánh hóa các sản phẩm thực phẩm chức năng mình dùng lên và được các nhãn hàng này mượn cớ quảng cáo nhiều hơn ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh.
Thực phẩm chức năng chỉ là quảng cáo
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) cho biết ngày nào anh cũng gặp các trường hợp hỏi về sản phẩm này, sản phẩm kia có chữa được ung thư hay không. Bác sĩ Vũ nhấn mạnh tất cả thực phẩm chức năng không hề có tác dụng cho người bệnh ung thư trong điều trị khỏi bệnh mà nó chỉ hỗ trợ tăng sức đề kháng cho họ.
TS Vũ cho biết nhiều công ty sản xuất thực phẩm chức năng mượn cớ các sản phẩm có nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và họ lấy cái mác này ra quảng cáo chữa ung thư được.
"Một chất, hoạt chất được nghiên cứu trên tế bào ung thư sẽ được đưa trực tiếp vào tế bào. Nếu có tác dụng sẽ được áp dụng thử nghiệm trên động vật sau đó mới đến người nhưng hiện nay chưa có thực phẩm chức năng nào được nghiên cứu thực nghiệm trên người", TS Vũ cho biết.
Với sản phẩm chứa fucoiden, flavonoid cũng mới chỉ dừng lại nghiên cứu trên chuột nhưng các nhà bán hàng đã mạnh dạn lấy nghiên cứu này để quảng cáo.
TS Vũ nhấn mạnh từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến người là cả hành trình trăm ngàn rào cản. Chính vì thế, những chất có thể chống lại sự phát triển trên tế bào ung thư trên người được đưa vào điều trị hiện nay mới chỉ trên đầu ngón tay.
Thí nghiệm trên người bước qua rất nhiều rào cản, nếu qua đường uống thì người ta còn phải tính toán bao nhiêu phần trăm được hấp thu qua máu tính axit cao của bao tử và dịch ruột có thể phân hủy chúng dễ dàng.
Khi chất đó vào máu còn phải xem xét thuốc duy trì được trong bao lâu, duy trì được trong máu một thời gian thì có đến được khối u hay không một thuốc trị được ung thư hiệu quả phải vượt qua tất cả những rào cản ấy và chứng minh được tính “hiệu quả” và “an toàn” cho người bệnh. Trước khi dùng thực phẩm chức năng nào, TS Vũ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ điều trị trước và hãy lắng nghe tìm hiểu kỹ, tránh tiền mất, tật mang.