Các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tim chủ yếu tập trung vào các cựu chiến binh bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại học Iceland và Viện Karolinska, Thụy Điển, muốn xác định mức độ căng thẳng của cuộc sống ảnh hưởng như thế nào đến con người. Họ phân tích 136.637 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng từ năm 1987 đến 2013.
Các tình nguyện viên được so sánh với anh chị em của họ và 10 người ngẫu nhiên cùng giới tính, năm sinh nhưng không có bất kỳ rối loạn nào liên quan đến căng thẳng hoặc bệnh tim.
Kết quả được công bố cho thấy những người bị căng thẳng có nhiều khả năng mắc các rối loạn tim mạch khi phải đối mặt với một sự kiện đau thương trong cuộc sống. Họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 64 % so với người khác.
Những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng khi còn trẻ sẽ có nguy cơ cao hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Huân Song cho biết các rối loạn liên quan đến căng thẳng và nguy cơ mắc bệnh tim có mối quan hệ chặt chẽ.
"Hầu hết mọi người tại một số thời điểm trong cuộc đời phải đối mặt với chấn thương tâm lý hoặc các sự kiện cuộc sống căng thẳng như cái chết của người thân. Những cảnh tượng đau lòng như vậy có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim", tiến sĩ Song nói.