Nội dung bài viết
Đau bụng là một triệu chứng bệnh thường gặp ở tất cả mọi người. Và rốn nằm ở vị trí trung tâm của cơ thể, giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó, khi xảy ra tình trạng đau bụng quanh rốn từng cơn, bạn cần đến bác sĩ thăm khám vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm.
1. Đau bụng quặn từng cơn vùng xung quanh rốn là bệnh gì?
Đau bụng quanh rốn từng cơn là cảm giác đau khó chịu và đứt quãng xảy ra ở vị trí ổ bụng, nơi tập trung tất cả các cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể. Khi xảy ra triệu chứng đau quặn từng cơn quanh rốn, rất có thể bạn mắc phải một trong số các bệnh dưới đây:
Bị nhiễm giun
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau quặn bụng là do bị nhiễm giun. Biểu hiện của bệnh nhiễm giun là bệnh nhân cảm thấy những cơn đau từng cơn ở vùng bụng trên rốn hơi chếch về bên phải. Kèm theo các triệu chứng ăn uống khó tiêu, buồn nôn, nôn ói,...
Dạ dày có vấn đề
Bộ phận dạ dày nằm cách rốn ở một khoảng cách không xa. Bởi vậy khi xuất hiện chứng đau bụng quanh rốn, rất có thể liên quan đến các bệnh lý dạ dày như đau dạ dày cấp, viêm loét dạ dày trực tràng, trào ngược dạ dày, ung thư dạ dày,...
Tại vùng bụng trên rốn của người bệnh sẽ xuất hiện các cơn đau âm ỉ, kèm biểu hiện ợ chua, buồn nôn. Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không tiêu. Với những người bị viêm loét dạ dày còn có huyết áp thay đổi đột ngột, bị sốt,...
Rối loạn tiêu hóa - đau bụng trên rốn từng cơn kèm tiêu chảy
Rối loạn tiêu hóa cũng gây ra những cơn đau bụng quanh rốn từng cơn. Khi ấn vào bụng, bệnh nhân cảm thấy đau hơn. Biểu hiện của chứng bệnh này là bụng cứng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng ngay sau khi ăn. Bệnh rối loạn tiêu hóa có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 ngày mà không cần dùng thuốc.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là bệnh đại tràng co thắt. Đây là một dạng rối loạn chức năng của đại tràng, gây ra những cơn đau quặn từng cơn quanh rốn khó chịu. Ngoài những cơn đau quặn bụng kéo dài, bệnh nhân còn có cảm giác chướng bụng đầy hơi, rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị đau bụng quanh rốn từng cơn do viêm hạch mạc treo
Khi các tuyến lympho trong ổ bụng bị viêm sẽ gây ra những cơn đau quặn bụng. Chứng bệnh này thường gặp ở trẻ em dưới 16 tuổi, có triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa.
Biểu hiện điển hình của bệnh viêm hạch mạc treo là đau quặn bụng từng cơn quanh rốn, nhất là ở vùng hố chậu phải. Các triệu chứng đi kèm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau họng, bị cảm lạnh trước khi đau bụng.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Đây là tình trạng bệnh chủ yếu do vi khuẩn E.coli gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận khiến nước tiểu bị nhiễm khuẩn và gây ảnh hưởng đến hệ thống bài tiết của cơ thể.
Người bệnh cảm thấy các cơn đau dưới rốn, quặn từng cơn và càng nặng hơn khi tiểu tiện. Nếu tình trạng nghiêm trọng, những cơn đau sẽ nặng hơn, thỉnh thoảng trong nước tiểu có lẫn máu tươi.
2. Đau bụng quanh rốn từng cơn có nguy hiểm không?
Đau bụng quanh rốn từng cơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu rơi vào những trường hợp dưới đây:
Viêm ruột thừa
Những cơn đau bụng xuất hiện từng cơn, ban đầu là vùng quanh rốn rồi chuyển sang vùng bụng bên phải. Khi ấn vào bụng thấy đau nhói, nhất là vị trí bụng dưới bên phải. Triệu chứng kèm theo của bệnh này là sốt, mức độ đau tăng dần.
Thủng dạ dày
Xuất hiện các cơn đau đột ngột, đau dữ dội từng cơn. Ấn vào bụng thấy đau nhói, thành bụng trước co cứng.
Viêm tụy cấp
Đau bụng quanh rốn kèm theo đau thượng vị, bị nôn nói, chướng bụng.
Thai ngoài tử cung
Đau bụng đột ngột, quặn từng cơn kèm theo chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, mồ hôi vã như tắm, da xanh xao,...
Tắt mật
Những cơn đau xuất hiện ở mạn sườn bên phải, kèm biểu hiện sốt, vàng da,...
Tắc ruột
Những cơn đau xảy ra ở vùng bụng quanh rốn, cảm giác chướng bụng, trung đại tiện khó khăn. Người bệnh sẽ có cảm giác như rắn bò ở vùng bụng.
3. Cách điều trị đau bụng quanh rốn
Khi xuất hiện các cơn đau bụng quanh rốn từng cơn, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, thư giãn để làm dịu cơn đau. Đồng thời áp dụng một số mẹo dân gian an toàn để giảm đau. Nếu tình trạng nặng, người bệnh cần nhờ người thân giúp đỡ để đến bệnh viện cấp cứu.
Cách chữa đau bụng quanh rốn bằng mẹo dân gian
Trong trường hợp chỉ mới xuất hiện các cơn đau quanh rốn, không kèm các triệu chứng kèm theo, bạn có thể áp dụng một số cách điều trị đau bụng quanh rốn tạm thời dưới đây:
Chườm nóng
Đây là phương pháp giảm đau tức thời đơn giản mà hiệu quả được nhiều người áp dụng. Bạn chỉ cần sử dụng túi chườm nóng áp lên vùng bụng bị đau. Kết hợp với việc massage và nghỉ ngơi để đạt kết quả tốt nhất.
Uống trà gừng
Gừng có vị cay, tính ấm và có tác dụng giảm chướng bụng, đau bụng, kích thích hệ tiêu hóa. Hơn nữa, gừng còn có tác dụng chống co thắt cơ trơn ruột, làm giãn mạch,... Vì vậy, người ta thường dùng gừng hãm cùng nước sôi để trị đau bụng quanh rốn.
Uống trà mật ong
Pha 1-2 thìa cà phê mật ong với nước ấm để uống. Bạn có thể áp dụng cách này khi xuất hiện các cơn đau bụng quanh rốn từng cơn và có triệu chứng buồn nôn để giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn.
Uống trà bạc hà
Lấy một ít lá bạc hà, một ít hạt cây thì là, gừng, tỏi, bột hạt tiêu xay nhuyễn. Dùng hỗn hợp các nguyên liệu trên pha với nước ấm, uống 2 lần/ngày để giảm đau bụng.
Uống nước giấm/ rượu táo
Lấy 1 muỗng giấm hay rượu táo nguyên chất pha với nước ấm, thêm 1 thìa cà phê mật ong. Uống 2 lần/ngày cho tới khi cơn đau thuyên giảm.
Cách chữa đau bụng quanh rốn bằng phương pháp Tây y
Tùy vào từng nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn mà các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc khác nhau.
Với nguyên nhân bệnh do chứng đại tràng co thắt: Một số loại thuốc tân dược được chỉ định như nhóm thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng, thuốc chống co thắt đại tràng, thuốc trị tiêu chảy,...
Với nguyên nhân bệnh do dạ dày, tá tràng, người bệnh sẽ được dùng các loại kháng sinh diệt vi khuẩn HP, thuốc kháng axit, thuốc chống tăng tiết dịch vị,...
Những bệnh nhân đau bụng do viêm đường tiêu hóa sẽ được kê toa các loại thuốc giảm tiết, thuốc chống nôn, thuốc trị tiêu chảy,...
Còn trường hợp đau bụng do ngộ độc thực phẩm cần cấp cứu kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
4. Những cách phòng ngừa chứng đau bụng quanh rốn từng cơn
Để phòng tránh chứng đau bụng quanh rốn từng cơn, bạn cần lưu ý những vấn đề như sau:
Chế độ ăn uống lành mạnh
Thông thường, những cơn đau bụng quanh rốn từng cơn sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy để giảm thiếu những cơn đau khó chịu, bạn cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho hệ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế tối sử dụng các thực phẩm khó tiêu, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, các đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá,...
Chế độ sinh hoạt khoa học
Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Không nên thức khuya, tránh lo âu, căng thẳng, áp lực.
Thường xuyên tập luyện thể dục
Hãy chọn một môn thể thao phù hợp và luyện tập đều đặn để nâng cao sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ
Lưu ý kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.
Điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ
Khi phát hiện các bệnh lý, người bệnh cần tuân theo sự tư vấn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua thuốc hay sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nhìn chung, chứng đau bụng quanh rốn từng cơn không đơn thuần là đau bụng thông thường mà rất có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Nhất là những trường hợp có kèm các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, sốt,... Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan xem nhẹ mà cần phải đến bác sĩ chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý.