Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện. Ngày nọ, một người mẹ dỗ rồi đặt con gái nhỏ bảy tháng tuổi vào cũi để ngủ. Gần đó cậu con trai gần ba tuổi cũng đã ngủ ngon. Cô dừng lại vài phút, ngắm nhìn hai thiên thần nhỏ rồi nhẹ nhàng “trốn” đi tắm. Một trận “vật lộn” đã khiến cô ấy đủ rã rời và cần được tắm rửa.
Người mẹ ấy đã mệt tới mức như muốn kiệt sức. Mỗi ngày, cô ấy đều thức từ 5 giờ sáng, đến tối lại chập chờn, hết dậy dỗ con, rồi lại cho con bú.
Cô ấy thường không ăn được nhiều. Chăm sóc cho hai đứa trẻ chưa ba tuổi thật sự có khi quên cả bữa ăn của mình để nhớ làm sao cho con ăn đủ nhất. Nhưng vừa nãy, cô ấy nghĩ việc tắm rửa để rửa hết mùi ói, bỉm thối của con trên người có lẽ cần hơn cả nhu cầu ăn uống.
Trong phút giây nào đó, sự yên bình mong manh bỗng chốc bị phá vỡ.
Con trai lớn bỗng tỉnh giấc. Cậu bé gào khóc. Cô bé sơ sinh cạnh bên nghe thế cũng khóc theo. Khoảnh khắc như ở ranh giới chịu đựng cuối cùng của bà mẹ trẻ ấy, cô ấy bật khóc và như gào thét cùng hai đứa con của mình. Điều cô ấy muốn chỉ là bỏ hết những sự rối rắm như điên loạn, những tiếng khóc không ngớt của con… Cô ấy thật sự chỉ muốn một mình, chỉ còn muốn thời gian dành cho chính mình…
Cô ấy đã không còn cách nào khác là phải gọi cho chồng, hay bất cứ người thân nào để đến giúp. Bởi ngay thời khắc đó, cô ấy như muốn nổ tung, không còn chịu nổi bất cứ điều gì, ngay cả chính bản thân mình.
Bạn biết không, người mẹ trẻ đó… chính là tôi.
Đã có một ngày như thế, khi tôi thật sự không muốn làm mẹ nữa, dù chỉ là vài giờ, hay là vài ngày ngắn ngủi. Tôi muốn có thể tắm rửa một cách từ tốn, sạch sẽ và thơm tho. Tôi muốn ăn món mình thích, từng chút mà không vội vàng. Tôi muốn có một giấc ngủ, có thể tỉnh dậy khi tôi muốn, chứ không phải bị đánh thức liên tục trong một đêm.
Giây phút nào đó, tôi thật sự không chịu nổi việc làm mẹ thêm.
Tôi muốn cuộc sống của mình ngày trước, thói quen cũ hằng ngày, một cơ thể cũ được làm chủ điều mình muốn. Cứ thế, tôi thấy mình thật tội lỗi, như một bà mẹ không có trách nhiệm, dù là suy nghĩ kia chỉ hiển hiện trong đầu tôi vài phút.
Nhưng cho đến bây giờ, khi đã vững vàng và khôn ngoan hơn, tôi biết cảm giác tội lỗi ấy hoàn toàn không đúng. Có suy nghĩ ấy không có nghĩa là tôi không yêu con, hay tôi là một bà mẹ tệ hại.
Vì sao à ? Vì chúng ta hầu như không hay biết nguồn năng lượng và sự cố gắng ngoài khả năng của bản thân có thể khiến mình trở thành một bà mẹ chịu đựng, đầy tiêu cực và có thể nổ tung vì trầm cảm.
Chúng ta luôn suy nghĩ rằng mình phải có sự kiên nhẫn thật bền bỉ và lâu dài suốt những năm tháng nuôi con nhỏ. Nhưng quả thật, đó là một sự kiên trì đáng kinh ngạc, nếu chúng ta căn bản còn không đủ kiên nhẫn với chính mình.
Những suy nghĩ cho con, âu lo từng giấc ngủ, bữa ăn, những yêu thương vô bờ bến cũng có khi đã khiến chúng ta trở nên kiệt sức. Yêu thương không là nghĩa vụ, nhưng thương yêu cũng cần sức lực để duy trì. Và thật ra mọi bà mẹ đều chỉ là một người thường. Tình yêu của chúng ta có lớn, có bao la thế nào thì cũng không thể biến thành nguồn năng lượng không cạn kiệt. Và khi chúng ta đã quá nhiều lo toan, mệt mỏi về cả tinh thần và thể chất, chúng ta chỉ muốn từ bỏ việc làm mẹ…
Tôi chỉ muốn nói với những người mẹ có con nhỏ rằng, đừng thấy mình tội lỗi và tệ hại khi có giây phút nào đó chỉ muốn ở yên một mình, chỉ để tránh xa tiếng con khóc, hay những lần con đòi mẹ. Và cũng đừng thấy xấu hổ nếu có lúc bạn thật sự muốn bỏ trốn. Đừng nghĩ rằng bạn thật tệ khi không thể đủ bình tĩnh khi cả hai đứa trẻ đều khóc ngất, còn bạn thì luôn phải cố gắng sắp xếp mọi việc ổn thỏa. Đừng bao giờ đổ lỗi cho bản thân, vì bạn thật sự đã mỏi mệt nhiều rồi.
Vào những thời khắc ấy, đừng cố ôm thêm những nhẫn nhịn và kiệt sức thêm. Hãy nói với chồng, mẹ chồng, hay bất cứ người thân nào bên cạnh, rằng bạn cần sự giúp đỡ. Đừng ngại nói lên mong muốn rằng bạn cần thời gian cho bản thân, để hồi phục nguồn sức lực đã cạn, để tự hàn gắn một tâm hồn đang thiếu thốn.
Bạn là một người mẹ, bạn chắc chắn yêu con bằng cả sinh mệnh của mình. Và dù rằng trong lúc bản thân bạn yếu ớt mất điểm tựa thế này thì tình yêu của bạn dành cho con vẫn như thế. Đừng nghi ngờ trái tim của chính mình, đừng nghĩ rằng bạn không phải là một người mẹ tốt. Chỉ là, bạn phải chăm sóc mình thêm một chút, phải yêu thương bản thân hơn. Một bà mẹ thì không thể ngã bệnh hay mệt mỏi sao? Không, bạn vẫn biết mệt, biết kiệt sức, vì bạn là một người mẹ!
Vì thế, nếu có lúc nào đó bạn thật sự thấy mệt mỏi, hãy ưu tiên mình hơn. Việc bạn yêu cầu sự giúp đỡ không hề là sự vô trách nhiệm với con cái. Bạn chỉ đang cần sạc thêm năng lượng, để mạnh mẽ và kiên cường hơn với vai trò một người mẹ. Hãy nhớ, dù bạn là một người mẹ, một nữ anh hùng oanh liệt với con thì bạn vẫn có một trái tim và thân thể của một con người. Đừng biến mình thành siêu nhân, các mẹ nhé!