Những ngày đầu năm, khi ánh nắng còn sót lại khẽ khàng vụt qua tán lá, bé Tom (8 tuổi, tên thật Nguyễn Bá Thiện Vinh) cùng mẹ và 2 em gái Thiện An (3 tuổi) và Hà An (1 tuổi) háo hức dạo chơi hồ Gươm.
5 năm trước, khi mới 33 tháng tuổi, Tom được chẩn đoán mắc ung thư não. Khối u nằm ở phía sau gáy, trên cột tủy sống, vị trí nguy hiểm nhất. Bộ ảnh "24h của Tom" do nhiếp ảnh gia Kim Bánh Trôi Nước thực hiện năm 2017 ghi lại từng khoảnh khắc trong một ngày của em bé 4 tuổi bên mẹ và các bạn đã gây xúc động mạnh. Mẹ con bé Tom cũng đặc biệt xuất hiện trong chương trình "Điều ước thứ 7", truyền cảm hứng mạnh mẽ và nghị lực sống đến cộng đồng.
Với những bệnh nhân ung thư giai đoạn 4 như Tom, thời gian 5 năm có giá trị vô cùng quan trọng với khái niệm "vượt qua là được coi khỏi bệnh".
Chiến binh ung thư kiên cường
"Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của đêm đầu tiên không ngủ 5 năm trước - 9/8/2017" - chị Nguyễn Minh Hà, mẹ Tom, nhớ lại ngày cùng chồng về nhà từ bệnh viện, được người bạn bác sĩ thông báo "Tom mắc ung thư", sau những dấu hiệu ban đầu như bước đi liêu xiêu, chệnh choạng.
Chị nắm tay, xoa đầu và ôm con thật chặt, như sợ "nếu ngủ quên thì mở mắt ra con không còn bên cạnh nữa".
Gia đình đứng giữa những lựa chọn. Vì ung thư - "kẻ thù" quá mạnh nên Tom không nhất thiết phải đối đầu, thay vào đó sống thoải mái, vui vẻ và không đau đớn, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Mặt khác, nếu bước vào phác đồ điều trị khống chế sự phát triển của khối u, đứa trẻ sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, tiên lượng 50/50 và "thậm chí không tỉnh lại".
Họ đã chọn phương án thứ hai, chấp nhận thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính cho Tom.
"Dĩ nhiên trong cuộc sống, điều gì xong rồi, nói lại thì cũng dễ dàng. Nhưng để đứng trước mỗi quyết định, hơn nữa lại đặt trong hoàn cảnh 'mất - còn' và không phải mình, người chịu đựng tất cả sẽ là con, thì khi lựa chọn tôi chỉ cầu mong những phép màu", người mẹ nói.
Giữa tháng 8/2017, mẹ đưa Tom đến bệnh viện. Cậu bé nghĩ rằng đó là một "khách sạn".
"Đi chơi nha!", chị Hà nói với con như mọi lần. Nhưng khi nhận ra "khách sạn" này có gì đó khác biệt, Tom ôm mẹ thật chặt, giãy giụa: "Con không đi chơi nữa đâu, con muốn về nhà".
Ca phẫu thuật kéo dài từ 8h - 17 giờ, nhưng chị Hà phải chờ tới 22 giờ mới được gặp con. Chưa đầy 24 tiếng, Tom tỉnh lại, môi chỉ run run: "Bác sĩ ơi cho cháu về nhà! Mẹ Hà đâu ạ?". Vài tiếng sau, cậu bé rơi vào hôn mê, cứ như vậy suốt một tháng.
Từ đó, Tom chứng minh là một "chiến binh" kiên cường khi lần lượt trải qua hai ca phẫu thuật, một đợt hóa trị kéo dài 16 lần vào thuốc, một đợt xạ trị 32 mũi và tiếp tục thêm 8 lần hóa chất liều cao.
Tóc của Tom bắt đầu rơi rụng xuống gối khi kết thúc hóa trị lần đầu tiên. Người mẹ thương con chịu nhiều đau đớn, nói: "Tôi từng cầu xin trời phật cho con khỏe mạnh đi qua bệnh tật, nhưng những lúc thấy con đau đớn mê man, lại chỉ dám xin cho con không đau đớn nữa".
Chị Hà cũng như nhiều bố mẹ trong "khách sạn" (cách hai mẹ con gọi Khoa bệnh viện điều trị ung thư), trong quá trình điều trị dù lúc nào cũng trong tâm thế "sống gấp", lo sợ con có thể rời đi bất cứ khi nào, nhưng sự lạc quan trong họ chẳng khi nào vơi.
"Nếu sau này gặp điều gì đó khó khăn hơn trong cuộc sống, mẹ sẽ nghĩ đến những tháng năm của chúng ta, đến sự mạnh mẽ của con để vượt qua", chị nói.
Bé Tom đã trở thành Thiện Vinh ngày hôm nay
5 năm sau, Tom đã là học sinh Tiểu học.
"Khi nhìn con được đến trường, hòa cùng các bạn chạy xếp hàng vào lớp, tôi rất xúc động. Vì có rất nhiều người bạn của con trong 'khách sạn', cũng đều mong được cắp sách đến trường", chị Hà quay sang nhẹ nhàng ôm con, tâm sự.
Thiện Vinh có vẻ ngoài không nhiều thay đổi, vẫn hoạt ngôn, tình cảm, nhiều sở thích và "ghê gớm" (trong suy nghĩ của mẹ Hà). Mỗi sáng trong tuần, em dậy lúc 7 giờ, được mẹ đưa đến trường và tan học về lúc 17 giờ. Môn học yêu thích là mỹ thuật.
Em cũng thích nhạc Hàn Quốc, đam mê ô tô đồ chơi, mô hình siêu nhân và luôn dành tình yêu đặc biệt cho bóng đá.
"5 năm, không có nghĩa Tom hoàn toàn khỏi bệnh và tôi có thể thoải mái hét lên 'mình đã thành công', hiện tại con vẫn trong giai đoạn định kỳ 3 tháng tái khám chụp cộng hưởng từ. Đây chỉ là một cột mốc đánh dấu quãng thời gian đầy thử thách và kỳ vọng, để mỗi bệnh nhân sau khi chinh phục, giống như đã giành được cúp chiến thắng.
Thật sự 5 năm này nó có ý nghĩa vô cùng. Còn sau đó, thì lại một giai đoạn khác với những nhiệm vụ riêng", chị Hà nói.
Cô giáo chủ nhiệm không biết Thiện Vinh là bé Tom năm ấy, chỉ là cậu học sinh có sức khỏe yếu hơn các bạn nên đi học chậm hơn một tuổi. Gia đình luôn mong muốn Tom được cảm nhận những điều bình thường, giản dị nhất trong cuộc sống và thoải mái với các bạn.
Nhiều lúc thấy con "đánh vật" với bài tập về nhà, chị Hà nói đùa nhiệm vụ học hành với "chiến binh" không hề đơn giản.
Tháng 9/2019, em gái Tom chào đời, được gia đình đặt tên là Nguyễn Thiện An. Cô công chúa nhỏ luôn được anh trai cưng chiều, xuýt xoa "em đáng yêu cực kỳ luôn"
Nhìn những nụ cười "tít mắt" khi hai anh em bên nhau, ai cũng thấy mọi lo lắng hay khó khăn "cứ ở đâu đâu, còn lâu mới chạm vào mình được". Cuộc sống bởi thế có màu của nắng ấm, màu của những cơn gió mát lành, màu của những ngày xanh.
Hai năm sau, vào giữa tháng 8, em bé thứ ba đến với gia đình, tên Nguyễn Hà An. Bé gái được sinh ra giữa mùa Covid-19 đầy căng thẳng, vẫn là món quà tình thân ngọt ngào đã "lăn tròn" vào cuộc sống.
"Thiện An và Hà An biết không, nhiệm vụ của 2 con là giúp anh Tom gom đầy túi chữ 'An', để bình an, vạn điều được gặp đủ duyên đủ phúc", chị Hà nhắn nhủ.
Chăm sóc Tom và 2 em là điều không đơn giản, nhưng chị Hà không muốn bản thân bị áp đặt trong suy nghĩ "vì Tom ốm" nên cuộc sống của mình "như thế này, như thế kia".
"Không, con không làm gì cả. Thậm chí những trải nghiệm mà tôi đã có khi ở bên Tom giúp mình được sống sâu sắc hơn, vững vàng hơn và biết cách trân trọng giá trị cuộc sống hơn", chị nói.
Niềm vui cho những bệnh nhi ung thư
Rất nhiều bố mẹ hỏi chị Hà liệu có bí quyết gì không để con có thể giữ được sự tươi tắn nhất, để có thể đồng hành cùng con mà gạt đi những giọt nước mắt trong lòng? Vì khi nhìn thấy con đau, bố mẹ nào cũng chỉ ước "mình được thay vào chỗ ấy".
Chị đáp, những kết quả của Tom hôm nay, điều quan trọng nhất là khả năng của các bác sĩ, còn lại là 90% sự cố gắng của con, gia đình bên cạnh hỗ trợ chỉ 10%.
Ngay khi bắt đầu đến với "khách sạn", điều gia đình luôn tìm kiếm và mong muốn là được nhìn thấy nhiều hơn những "niềm vui cho em", những nụ cười, những sự hồn nhiên của những em bé ung thư, thay vì hình ảnh như mọi người vẫn nghĩ trẻ em ung thư là "đáng thương", "xót xa".
"Tôi làm mọi thứ để con có một cuộc sống vui vẻ, hiểu là khái niệm ngắn - dài không nằm trong tầm tay mình nữa. Tôi đã chọn thái độ luôn không uất ức gì với cuộc sống, và cũng không phải cố gồng để thể hiện bản thân mạnh mẽ", người mẹ tâm sự.
Theo chị, mỗi em bé ung thư đều là một "chiến binh" và xứng đáng có thêm thật nhiều may mắn. Trong thế giới của các em, có bao nhiêu bạn nhỏ sẽ được viết tiếp ước mơ cắp sách đến trường, bao nhiêu gia đình cân bằng lại và quay về được cuộc sống ban đầu?
Câu trả lời rất khó.
Nhưng những đứa trẻ và bố mẹ các em đều mong muốn và hy vọng câu chuyện về Tom hay bất cứ bệnh nhi nào chiến thắng ung thư, sẽ được viết nhiều hơn, được kể nhiều hơn, để mọi người cùng có thêm động lực và niềm tin, cùng nắm chặt tay nhau bước qua thử thách.
"Niềm vui cho em" là chương trình chị Hà cùng những người bạn yêu quý Tom dành tặng những món quà thiết thực cho các bệnh nhi ung thư. Nhiều năm qua, chị tổ chức và tham gia các hoạt động như trao quà dịp lễ, Tết; sinh nhật tháng; hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong hai năm dịch Covid-19 và bão lũ miền Trung; trao tặng máy tiêm truyền; tặng quà cho các em có thành tích học tập tốt…
Khi các cầu thủ của Đội tuyển bóng đá Quốc gia dành tặng Tom phiên bản mini của chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup năm 2018, chị Hà nhắn nhủ: "Các chú gặp cả các bạn con nữa nhé" vì "Tom chỉ là em bé đại diện cho các bạn. Câu chuyện của con không phải là câu chuyện tự kể một mình".
Không truyền thông rầm rộ, buổi trao tặng chiếc cúp vô địch giữa "khách sạn" là khoảnh khắc đáng quý, không thể nào quên với Tom, với các bệnh nhi ung thư, các phụ huynh và cả những cầu thủ quốc gia như Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu và Bùi Tiến Dũng.
"Tôi thỉnh thoảng nói với một vài bạn tình nguyện viên trẻ tuổi, là mình luôn 'Tặng' các con, chứ không phải là 'cho'. Vì có ai không muốn được nhận một món quà mà người tặng dành riêng để gửi cho mình, có ai mà không muốn thấy mình được yêu thương", chị nói.
Chị có một nguyên tắc không bao giờ đăng tải hình ảnh mệt mỏi, xót xa của các bệnh nhi, mà ở đó chỉ thấy những ánh mắt hồn nhiên, nụ cười ngây thơ của các em.
Người mẹ đặc biệt thích được cập nhật tình hình về những bệnh nhi từng ở "khách sạn", đã lớn lên và nỗ lực không ngừng. Có người học nghề, tìm kiếm công việc ổn định, cũng có người đỗ Đại học. Tất cả đều là niềm động viên rất lớn với bố mẹ các bệnh nhi ung thư.
Đôi lúc, nhiều người tâm sự với chị Hà, rằng mỗi khi nhìn thấy Tom, họ luôn có một sự động viên tinh thần để vững vàng và lạc quan hơn.
Thư mẹ gửi Tom: Chúng mình sẽ cần nhiều dấu ấn 5 năm nữa
5 năm qua, mỗi khi nhìn con, mẹ đều thấy sự sống vô thức mạnh mẽ bên trong chàng trai bé nhỏ. Đó chính là khát khao được sống, được lớn khôn, biến những nỗi buồn cá nhân của mẹ quá là nhỏ bé.
Mẹ có gì buồn đâu, được bên cạnh con đã là điều hạnh phúc và may mắn của mẹ. Con và các bạn là những em bé "chiến binh" mà mẹ tự hào biết mấy, là những sứ giả yêu thương dạy mẹ biết trân trọng cuộc sống này.
Con đã có những người bạn, phải nói là rất nhiều bạn mới, cũng chia tay không ít bạn. Có rất nhiều nỗi buồn trong thế giới này, nhưng những niềm vui vẫn được thắp lên. Bằng yêu thương, vì yêu thương!
Giấc mơ của con, của các bạn, của mẹ và của rất nhiều bố mẹ, gia đình các bạn, gia đình chúng ta, ai cũng mong ngày mình được khỏe mạnh về nhà, không phải quay lại "khách sạn" nữa. Những yêu thương đã gom thành những nụ cười.
5 năm có thể như một chớp mắt, để mình vẫn ôm nhau trong tay như chưa có chuyện gì quan trọng.
5 năm cũng đã là khoảng thời gian rất dài, bởi mỗi tháng mỗi năm chính là từng sự cố gắng của con.
5 năm có ý nghĩa rất nhiều với hạn định thời gian "tốt thì 12 - 18 tháng, nhanh thì không nói trước điều gì".
Bé Tom à, chúng mình sẽ cần nhiều dấu ấn 5 năm nữa. Để con là em bé 13 tuổi, trưởng thành 18 tuổi... và U40 như mẹ, U70 như bà, U100 như cụ, sẽ rất nhanh để lại là một chớp mắt của chúng mình.
Mẹ hy vọng con sẽ bước đi trên con đường thật dài, luôn có những niềm vui, gặp nhiều điều may mắn.
Không rõ ở một kiếp khác, Tom có hạnh phúc hơn không? Nhưng kiếp này Tom là con của bố mẹ, là cái duyên trời cho mình là một gia đình.
Những tế bào ung thư trong con đang ở chế độ "ngủ đông", và mẹ luôn biết rằng, mình đã được đón nhận những điều may mắn nhất. Tình yêu thương là một sức mạnh vô hình, niềm khát khao được sống, được lớn khôn là một sức mạnh vô hình, sẽ khóa chặt "những tế bào yêu tinh" kia lại.
Cuộc sống đã ươm những mầm xanh, để ngày mai luôn là một ngày rất mới.