Củ gai là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe
Củ gai là phần rễ của cây gai (hay còn gọi là cây tầm ma), phân bố ở khắp các vùng quê tại Việt Nam, nhiều nhất là tại các vùng núi của tỉnh Hòa Bình. Củ gai có màu nâu, hình dáng thon dài, có đường kính khoảng 2 – 4 cm, độ dài từ 10 – 40 cm.
Người ta thu hoạch rễ cây gai và củ gai về rửa sạch đất, cắt thái miếng để dùng tươi hoặc để nguyên rồi phơi khô hoặc sấy khô, thường dùng làm một vị thuốc trong Đông y.
Củ gai chứa hàm lượng acid chlorogenic, acid cafeic, acid quinic, rhoifolin 0,7%, apigenin, acid protocatechic. Nước sau khi sắc lên để uống có vị ngọt (khác hẳn với những bài thuốc từ rễ cây khác là thường có vị đắng) nên rất dễ uống, tính hàn, không độc. Củ gai có tác dụng giải nhiệt, thông tiểu tiện hoặc sang lở.
Củ gai có tác dụng gì cho bà bầu?
Củ gai tươi là một bài thuốc hữu hiệu và được lan truyền rộng rãi cho bà bầu. Tác dụng của củ gai cho bà bầu là an thai rất hiệu quả. Đây được xem là "vị cứu tinh" cho các mẹ bầu bị động thai, dọa sảy, tụ dịch màng nuôi, bong tách nhau thai, an thai...
Lưu ý, mẹ bầu trong quá trình mang thai xuất hiện các dấu hiệu như ra chất dịch màu đỏ hoặc màu nâu ở âm đạo, nước tiểu có màu đục, tiểu ra máu thì đây là dấu hiệu của việc động thai. Bà bầu có thể dùng củ gai để nấu với gà ác, móng giò, bồ câu… thành các món ăn bổ dưỡng hoặc luộc ăn, đun sắc nước để uống hàng ngày.
Tác dụng của củ gai khi mang thai có được sau bao lâu?
Mẹ bầu có thể đun sắc nước để uống mỗi ngày. Mỗi ngày mẹ bầu có thể sắc khoảng 100g củ gai khô, ngày uống 2 lần hoặc dùng 200g củ gai tươi đã rửa sạch, cắt lát mỏng hầm với gà, bồ câu, móng giò, chân dê, dạ dày, tim lợn… dùng 2 - 3 lần một tuần trong suốt quá trình mang thai.
Bài thuốc từ củ gai
Với những mẹ bầu bị ra huyết khi mang thai, động thai, nhau thai có hiện tượng bị bóc tách, tụ dịch dưới màng nuôi thì nên dùng bài thuốc sau trong ít nhất 1 tuần, cụ thể:
3 ngày đầu: 150 – 200g củ gai rửa sạch, cắt miếng mỏng, đun với 1 lít nước trong 40 phút, uống trong ngày. Một ngày có thể đun 2 – 3 lần, mỗi lần 1 lít nước.
4 ngày sau: 100gr củ gai rửa sạch, xắt miếng, đem nấu với 1 lít nước, uống hàng ngày. Một ngày đun 2 – 3 lần, mỗi lần 1 lít nước. Sau khi đã đun được 3 lần, mẹ nên ăn hết phần bã để tăng thêm hiệu quả điều trị.
Trường hợp mẹ bầu bị ra máu đỏ sẫm, lượng dùng tương tự như khi bị động thai nhưng thêm vào ngải cứu hoặc tía tô để sắc chung. Với những mẹ bầu bị ốm nghén cũng nên dùng củ gai sắc nấu nước uống hàng ngày, có thể cho thêm ít cam thảo hoặc mía lau vào nấu cùng để ngọt nước và dễ uống hơn.
Những lưu ý cho bà bầu khi dùng củ gai trong thai kỳ
Bà bầu hoàn toàn có thể uống củ gai trong suốt thai kỳ như một loại nước uống hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi vì công dụng của củ gai là phòng những triệu chứng xấu như động thai, sảy thai trong suốt thai kỳ. Nhưng mẹ cần chọn mua củ gai ở những nơi có uy tín vì nếu uống nhầm sang cây khác sẽ rất nguy hiểm.
Nếu mẹ đang điều trị bằng thuốc tây dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ thì vẫn có thể uống củ gai mà không hề có tác dụng phụ bởi bản thân củ gai là một bài thuốc rất lành tính.
Mẹ bầu nên cất trữ nước củ gai đã đun trong tủ lạnh thì nên làm ấm lại trước khi uống. Không nên uống khi quá no và khi đói. Củ gai tươi không bảo quản được ở ngăn đá tủ lạnh. Khi để trong ngăn mát tủ lạnh tránh để nơi phả khí lạnh trực tiếp vì sẽ khiến củ nhanh hỏng.
Có thể thấy, hiểu biết việc củ gai có tác dụng gì cho bà bầu sẽ giúp mẹ có thêm một lựa chọn trong việc chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.