Bạn đọc Trần Huyền (32 tuổi, quận 3, TP HCM) hỏi:
Chào bác sĩ, tôi đang có thai hơn 8 tháng và kết quả khám thai cho thấy tôi có thể phải sinh mổ. Tôi nghe một số người bạn nói rằng thai phụ sau sinh mổ bị giảm trí nhớ rất nhiều, có thực như vậy không? Điều đó là do quá trình sinh nở hay do sinh mổ, hay có liên quan đến việc sinh mổ bằng gây tê/gây mê gì không và có hồi phục được không?
Tôi hết sức lo lắng vì con đầu lòng của tôi mới hơn 1 tuổi, không biết tình trạng "não cá vàng" sau sinh có nặng đến mức ảnh hưởng đến việc chăm sóc 2 đứa con nhỏ?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Suy giảm nhận thức hay giảm sút trí nhớ có thể do nhiều nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý như tuổi già, do bệnh toàn thân như thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, stress, nghiện rượu, ma túy, bệnh lý tâm thần, chấn thương hoặc bệnh lý hệ thần kinh…
Riêng việc sinh mổ, tôi khẳng định đó không phải là nguyên nhân gây giảm sút trí nhớ. Tuy nhiên, trong sinh đẻ nói chung có thể có một số vấn đề gián tiếp gây giảm sút trí nhớ như:
- Tình trạng chảy máu, mất máu nặng sau sinh.
- Bệnh lý trầm cảm sau sinh.
- Mổ đẻ có gây mê: thuốc gây mê sẽ nhanh chóng thải trừ ra ngoài sau khi bệnh nhân tỉnh lại, tuy nhiên, có thể gây suy giảm nhận thức trong vài ngày đến vài tuần sau mổ.
Hiện tượng trí nhớ bị ảnh hưởng sau phẫu thuật có gây mê gặp ở các các dạng phẫu thuật khác chứ không riêng gì mổ sinh nhưng người ta nhận thấy ảnh hưởng làm giảm sút trí nhớ chỉ biểu hiện rõ và kéo dài nhiều năm sau cuộc phẫu thuật ở những trường hợp người cao tuổi và trong các cuộc phẫu thuật tim, phẫu thuật lớn khác chứ không phải trong các cuộc mổ sinh thông thường ( thời gian ngắn). Vì vậy bạn không nên lo lắng.
Hiện nay, hầu hết các cuộc mổ đẻ được khuyến khích nên dùng biện pháp gây tê tủy sống để tránh các bất lợi của thuốc mê và không ảnh hưởng đến việc cho bé bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
Bạn nên yên tâm là chắc chắn không có tình trạng "não cá vàng" sau sinh mổ như nhiều người đồn đoán, chỉ cần chú ý khám thai, tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé, sau đẻ tiếp tục lưu ý tình trạng dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động để cơ thể mau chóng hồi phục, đủ sức khỏe mà chăm sóc bé mới sinh và bé lớn.
Sự trợ giúp của chồng hoặc người thân cũng hết sức cần thiết với bạn vì con đầu của bạn còn quá nhỏ mà nay lại có thêm bé và đó cũng là cách tốt nhất để bạn phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Chúc bạn nhiều sức khỏe.