Theo thông tin từ Người Lao Động, chiều 1/10, ông Hà Văn Buôi, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau thời gian theo dõi, khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, các đơn vị thuộc sở phối hợp cùng Công an xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) đã bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn do ông Lê Hoàng Nữa làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cơ sở đang có khoảng 10 công nhân đang có hành vi bơm tạp chất vào 80 kg tôm sú nguyên liệu. Qua kiểm tra cho thấy số tôm đều có chứa tạp chất CMC (CarboxyMethyl Cellulose).
Làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện chủ cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh và cho rằng do chồng mình đang vắng nhà.
Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ số tôm sú và các tang vật liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Cách nhận biết tôm bị bơm tẩm hoá chất
Dẫn tin từ Sức khoẻ Đời sống, tôm khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Nếu ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy khi chọn mua tôm, người tiêu dùng cần nhận biết được những dấu hiệu của tôm bị bơm tạp chất.
Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
Về màu sắc, rất khó phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau. Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.
Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Cách chọn tôm an toàn
Để ăn toàn, nên mua tôm còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng, có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.
Nếu mua tôm đông lạnh hoặc đã hấp, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu.
Với tôm sú: Không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.