Tiểu Điền (25 tuổi, Giang Tây, Trung Quốc) mắc chứng tăng tiết mồ hôi tay và phải điều trị bằng phẫu thuật. Trong quá trình khám trước phẫu thuật tại bệnh viện, các bác sĩ bất ngờ phát hiện các nốt phổi và cô gái được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn đầu.
Tiểu Điền cho biết, từ khi 10 tuổi - bước vào tuổi dậy thì, tay cô gái bắt đầu đổ mồ hôi không kiểm soát. Điều này khiến cô gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là học tập bởi cô sẽ thường xuyên làm ướt sách khi đọc và viết. Cô cũng chia sẻ, khi đi làm, chứng bệnh này cũng ảnh hưởng khiến bàn phím của cô luôn dính đầy nước, cứ gõ một vài chữ lại phải dừng lại lau, thậm chí nhiều phím bị hỏng. Điện thoại di động cảm ứng cũng thường xuyên vì lý do này mà không thể hoạt động.
Chính vì vậy, Tiểu Điền đã quyết định phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu. Bác sĩ Phùng Hưng, trưởng khoa phẫu thuật tim và lồng ngực cho biết, biện pháp tối ưu và lâu dài nhất để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi tay là phẫu thuật xâm lấn.
Trong quá trình khám sức khoẻ trước khi phẫu thuật, bác sĩ đã tìm thấy một nốt phổi đáng ngờ có kích thước khoảng 6,5mm. Sau khi xem kỹ phim, bác sĩ Phùng Hưng cảm thấy nốt phổi này có hình dạng bất thường, không bào nhỏ và có mạch máu chạy qua... Nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy đây có khả năng là tế bào ung thư phổi giai đoạn đầu, cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
Sau đó, bác sĩ Phùng Hưng đã bàn bạc với Tiểu Điền và quyết định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ chính xác nốt phổi dưới bên phải cho cô gái cũng như phẫu thuật điều trị tiết mồ hôi tay. May mắn thay, do được phẫu thuật kịp thời nên Tiểu Điền không cần tiến hành điều trị gì khác và được xuất viện ba ngày sau ca phẫu thuật.
Bệnh ra mồ hôi tay được chữa khỏi, sự bất tiện bao năm của cô gái cuối cùng cũng được giải quyết thỏa đáng, Tiểu Điền thở phào nhẹ nhõm: “Nếu không phải do bệnh tăng tiết mồ hôi ở tay, tôi sẽ không đến bệnh viện và cũng chẳng biết khi nào bệnh ung thư mới được phát hiện. Hậu quả sẽ không thể tưởng tượng."
Hầu hết ung thư phổi không có triệu chứng ở giai đoạn đầu
Bác sĩ Phùng Hưng cho biết, "Nhiều người cho rằng, việc xuất hiện các triệu chứng về đường hô hấp như ho, đờm lẫn máu, đau tức ngực... là dấu hiệu cảnh báo phổi có vấn đề. Tuy nhiên, ung thư phổi rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu nếu không chụp CT ngực."
Chính vì điều này mà nhiều bệnh nhân chỉ có thể phát hiện ung thư phổi khi có nhiều triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, bệnh đã phát triển đến giai đoạn giữa hoặc cuối. Không chỉ việc điều trị phức tạp, tốn kém mà hiệu quả cũng giảm đi rất nhiều.
Bác sĩ cũng thông tin thêm, hầu hết bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu đều được phát hiện khi khám sức khoẻ định kỳ và có được kết quả điều trị khả quan sau phẫu thuật. Không những loại bỏ chính xác tổn thương mà chức năng phổi cũng được tối đa hoá, chất lượng sức khoẻ sau phẫu thuật được nâng cao.
4 lưu ý để phòng ngừa ung thư phổi
- Tránh xa các yếu tố rủi ro
Người trẻ mắc ung thư phổi không phải điều hiếm gặp. Những thói quen sinh hoạt không tốt như hút thuốc, thường xuyên căng thẳng, tiếp xúc hàng ngày với hoá chất, ô nhiễm môi trường... đều là những tác nhân gây ung thư phổi.
Người hút thuốc cần sớm bỏ, người không hút thuốc cần tránh hút thuốc lá thụ động. Những người thường xuyên phải nấu nướng cần chú ý bật máy hút mùi trong bếp, tránh hít phải quá nhiều khói dầu.
- Không thường xuyên nóng giận
Có một mối quan hệ khá lớn giữa cảm xúc hằng ngày và ung thư. Cần học cách quản lý cảm xúc bản thân trong cuộc sống, giảm áp lực, bớt nóng giận, đừng để bản thân chìm trong cảm xúc tiêu cực thời gian dài.
- Cải thiện khả năng miễn dịch
Chú ý duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sống tích cực. Điều này có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật. Đồng thời nên tập thể dục đều đặn. Điều này rất hữu ích cho việc cải thiện khả năng miễn dịch.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị tích cực
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và điều trị là khám sức khoẻ định kỳ. Đặc biệt với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, những người bị ho nhiều lần kéo dài hơn ba tháng, những người hút thuốc và thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động, với các loại khí và chất độc hại. như khói dầu, khí gas lâu ngày nên đặc biệt chú ý khám phổi định kỳ.
Nguồn: Newqq