H. (26 tuổi) từng sang Singapore điều trị tiền ung thư cổ tử cung. Sau cuộc mổ khoét chóp cổ tử cung vào năm 2019, cô gái bị rong kinh kéo dài nên trở lại nước bạn tái khám. Trong quá trình nội soi buồng tử cung, bác sĩ tại đây phát hiện bệnh nhân có polyp (tổn thương có hình dáng giống khối u), nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Một ngày sau mổ, H. bắt đầu đau bụng, rối loạn tiêu hóa và nôn ói. 2 ngày sau, khi thấy tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng, người nhà lập tức mua vé từ Singapore về Việt Nam ngay trong đêm. Vừa xuống máy bay, H. được đưa vào bệnh viện ở TPHCM cấp cứu trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, sốt cao.
Bệnh nhân lập tức được siêu âm, chụp chiếu kiểm tra, kết quả nghi ngờ thủng tạng rỗng, nghi do biến chứng khi can thiệp phẫu thuật nội soi tử cung.
Sau một giờ nhập viện, H. được các bác sĩ Sản phụ khoa kết hợp với chuyên gia Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa tiến hành kiểm tra ổ bụng, phát hiện nhiều mảng mủ, dịch vàng, ruột bị viêm đỏ. Khi kiểm tra đến cơ quan sinh sản, bác sĩ phát hiện có lỗ thủng gần 1cm ngay vết mổ lấy thai cũ.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản phụ khoa của bệnh viện cho biết, tai biến phẫu thuật đã 4 ngày nhưng không được phát hiện, khiến tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân từ vết thủng tử cung lan rộng quanh ổ bụng.
Các bác sĩ đối mặt với việc phải cắt bỏ tử cung để giải quyết ổ nhiễm trùng triệt để, ngăn nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân còn rất trẻ, mới sinh con đầu lòng 18 tháng tuổi, nên các bác sĩ quyết định phải tìm mọi cách để duy trì chức năng sinh sản cho H.
Bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật nội soi, cắt lọc vết thủng tử cung, cầm máu và may lỗ thủng, hút sạch dịch lòng tử cung và đặt dẫn lưu hút dịch đọng ra ngoài. Sau phẫu thuật, người bệnh được sử dụng kết hợp kháng sinh liều cao. Bệnh nhân đáp ứng tốt điều trị, hồi phục nhanh, khỏe mạnh, đi lại và ăn uống bình thường.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, việc thủng tử cung có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi nội soi buồng tử cung, dù là nội soi chẩn đoán đơn giản hay nội soi can thiệp.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị chảy máu thứ phát, do tử cung kém cầm được các mạch máu lúc phẫu thuật, hoặc nhiễm khuẩn trong buồng tử cung. Do đó, dù là phẫu thuật ít xâm lấn nhưng người bệnh cần được chăm sóc, theo dõi kỹ, tránh tình trạng tai biến nhưng không được phát hiện, xử trí kịp thời.
Với trường hợp của H., chỉ cần đến bệnh viện trễ hơn thì không những phải cắt bỏ tử cung mà còn đe dọa tính mạng bệnh nhân.