Phụ Nữ Sức Khỏe

Chuyên gia lý giải vì sao đi nắng về ngồi điều hòa lại dễ đột quỵ?

Theo giới y khoa, chênh lệch nhiệt độ khi đi từ bên ngoài vào phòng bật điều hòa, hoặc ngược lại khiến cơ thể không thích nghi kịp thời, dẫn đến co mạch đột ngột, choáng váng. Nhiều trường hợp sốc nhiệt, thậm chí đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.

Đột quỵ cấp do sốc nhiệt

Những ngày gần đây, dự báo thời tiết miền Bắc luôn trong tình trạng nắng nóng gay gắt, mức nhiệt ban ngày thường xuyên ở mức cao từ 38-41 độ C. Nắng nóng làm gia tăng các trường hợp nhập viện vì hô hấp, sốc nhiệt và đột quỵ.

Đơn cử mới đây, ông Đ.T.V (55 tuổi, phường Phú Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được người nhà phát hiện trong tình trạng mặt đỏ, khó thở, mạch nhanh, vã mồ hôi. Nhận định ông V có dấu hiệu đột quỵ, gia đình đã sơ cứu và gọi cấp cứu 115. Tuy nhiên ông V đã không qua khỏi.

Theo lời kể của người nhà ông V, buổi trưa ông V đi ăn cỗ về, do nắng nóng ông V đi vào phòng bật điều hòa và nằm nghỉ. 30 phút sau người nhà vào phòng gọi ông V thì sự việc đáng tiếc xảy ra.

Cũng bị đột quỵ do sốc nhiệt, ông N.T.L (49 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) được người nhà đưa đến cấp cứu vào đầu tháng 5/2023 trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu, nói đớ. Các bác sĩ khoa cấp cứu nhận định, ông L có dấu hiệu đột quỵ cấp, nên phát báo động đỏ ưu tiên cứu người bệnh.

Tiến hành chụp MRI, kết quả ghi nhận bệnh nhân tổn thương não, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn nếu để kéo dài. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 4, loại trừ xuất huyết não. Để điều trị, bệnh nhân lập tức phải dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch làm tan cục máu đông, phòng ngừa yếu liệt, tắc mạch máu não nặng hơn.

Sau một giờ dùng thuốc, người đàn ông đã hồi phục sức khỏe, hết nói đớ và tê yếu nửa người trái. Một tuần sau đó, người bệnh đã phục hồi 90%, có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Theo lời kể của người bệnh, hôm đó ông đi lấy hàng về cho vợ bán, trời nắng nóng nên bật cả quạt số lớn và máy lạnh để nằm nghỉ ngơi. Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, tăng huyết áp. Sau đó, ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu, nên nhờ người thân đưa đi cấp cứu.

Người đàn ông tại TPHCM được dùng thuốc tiêu sợi huyết và dự phòng nhồi máu não tái phát sau khi bị đột quỵ. Ảnh: BV

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Dấu hiệu đột quỵ

Nhiều nước trên thế giới hiện đưa ra chữ "FAST" để phổ cập các dấu hiệu của đột quỵ. "FAST" có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là chữ viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).

Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhìn thấy là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể rõ hơn.

Tay: Tay bị liệt, cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép...

Lời nói: Rõ nhất là một số người đột quỵ bị "á khẩu" hay nói đớ.

Thời gian: Đưa bệnh nhân bệnh viện khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể.

Ngoài ra có những triệu chứng đột quỵ có thể kể đến như:

Lẫn lộn, sảng, hôn mê.

Thị lực giảm sút, hoa mắt.

Chóng mặt, người mất thăng bằng, không thể đứng vững.

Đau đầu.

Buồn nôn, nôn ói...

Nguyên nhân đột quỵ

Hai nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng đột quỵ là do thiếu máu cục bộ (tắc nghẽn động mạch) hoặc do xuất huyết não (mạch máu bị vỡ).

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

Người bị các bệnh lý tim mạch như hở van tim, rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều, suy tim…

Người bị tăng huyết áp.

Người bị tiểu đường.

Người bị rối loạn Lipid máu.

Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh tim.

Lạm dụng các chất kích thích như uống nhiều rượu, sử dụng ma túy.

Người hút thuốc lá chủ động hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động, gặp tình trạng khói thuốc lá dẫn đến mỡ tích tụ trong động mạch, tăng nguy cơ máu đông.

Người thừa cân, béo phì, ít vận động tập thể dục.

Chế độ ăn uống không hợp lý, lượng Cholesterol cao.

Về tuổi tác, người trong nhóm tuổi từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn.

Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn so với nam giới.

Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.

Khi đi ngoài nắng về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột (hoặc ngược lại) sẽ rất dễ bị đột quỵ do sốc nhiệt.

Chuyên gia lý giải vì sao đi nắng về ngồi điều hòa lại dễ đột quỵ?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh (một bệnh viện tại TPHCM) cho biết, trời nắng làm thân nhiệt tăng cao, cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn và gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời thì máu sẽ đặc hơn, lưu thông kém và làm tăng huyết áp.

TS.BS Đức cho biết thêm, khi đang đi ngoài nắng về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột (hoặc ngược lại) sẽ làm co và tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các yếu tố này kết hợp với các bệnh nền hay các vấn đề sức khỏe (như cao cholesterol, béo phì...) làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn sẽ tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, dùng rượu bia để giải khát khi nóng, tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về... khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi, đều là những yếu tố nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ.

Với các đối tượng thường bị sốc nhiệt và đột quỵ do thời tiết nắng nóng TS.BS Đức chỉ rõ: Trẻ em, người từ 65 tuổi trở lên; người có bệnh nền hay bệnh mạn tính; người sống trong khu vực đô thị ít cây cối và bóng râm; người thường xuyên làm việc, hoạt động dưới trời nắng, nhất là vào giữa trưa; người uống không đủ nước; người có thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc quá nhiều... cũng có nguy cơ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mệt mỏi, tê yếu, mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp, trụy mạch, sốt cao, hôn mê...

Đáng chú ý, các biểu hiện của hai tình trạng trên tương đối giống nhau, nên có thể gây nhầm lẫn, chậm trễ cấp cứu.

Biến chứng của bệnh đột quỵ

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với người bệnh. Tùy theo thời gian người bị đột quỵ được phát hiện, đưa vào bệnh viện và điều trị mà mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ khác nhau.

Khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu và thậm chí là không thể phục hồi. Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não có thể phục hồi. Thậm chí, trong một số trường hợp, biến chứng có thể gây thương tổn vĩnh viễn.

Một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ bao gồm:

Bị liệt (1 tay, 1 tay hoặc hết tứ chi).

Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân.

Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp.

Gặp các vấn đề thị giác.

Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc…

Trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong hoặc sống thực vật.

Cần làm gì khi phát hiện người đang bị đột quỵ?

Hướng dẫn sơ cứu cho người bị tai biến mạch máu não:

Gọi xe cấp cứu ngay lập tức.

Tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã.

Không tự ý điều trị như đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào.

Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí…

Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn uống gì.

Trường hợp bị đột quỵ do sốc nhiệt cần sơ cứu và gọi cấp cứu ngay để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ảnh minh họa: TL

Để tránh đột quỵ do sốc nhiệt cần làm gì?

Để tránh sốc nhiệt, cần kiểm soát nhiệt độ phòng, tuyệt đối không để dưới 26-28 độ C. Khi phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.

Ngoài ra, phòng điều hòa thường kín, không thoáng khí nên dễ tích bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và nấm mốc gây bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Do đó, khi không bật điều hòa nên mở cửa cho không khí sạch ngoài trời vào nhà.

Để tránh thay đổi nhiệt độ quá mức, khi đi ngoài nắng về, không nên vào phòng lạnh ngay, thay vào đó cần ngồi quạt, mở cửa phòng để cơ thể mát từ từ. Kết hợp các bài tập cổ nhẹ nhàng hoặc đi lại trong phòng nhiệt độ thường trước khi bước vào phòng điều hoà.

Tương tự, nếu đang ở phòng điều hoà, không đột ngột bước ra ngoài ngay, nên tắt điều hoà 15-30 phút để cân bằng nhiệt độ trong phòng và bên ngoài.

Khi nằm trong phòng điều hoà, da, niêm mạc mũi thường xuyên bị khô nên cần thường xuyên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước biển sâu để làm ẩm, sạch mũi, tránh hơi lạnh lọt vào đường hô hấp gây viêm họng, viêm phổi.

Trong những ngày nắng nóng, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, bổ sung nước ngay cả khi không khát, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Riêng người cao tuổi, không tự đi xe máy ra ngoài đường từ 10h - 16h hàng ngày do nhiệt độ mặt đường rất cao, nguy hiểm. Nếu người trên 75 tuổi, tuyệt đối không ngồi sau xe máy trong những ngày nắng nóng, bất kể khung giờ nào.

Với những người từng bị sốc nhiệt và đột quỵ bác sĩ khuyến cáo có thể sẽ dễ tái phát do nắng nóng. Do đó, cần chủ động đề phòng bằng cách hạn chế làm việc, vận động quá sức ngoài nắng. Người ở ngoài nắng cần mặc quần áo rộng rãi, bổ sung nước đầy đủ, nghỉ giải lao phù hợp.

Khi ở ngoài nắng vào nhà, tránh vào phòng lạnh ngay lập tức vì có thể gây sốc nhiệt. Những người có nguy cơ nên tầm soát đột quỵ định kỳ, để kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường, ngăn chặn đột quỵ xảy ra.

Theo L.Vũ (th)/Gia đình và Xã hội

Tin liên quan

Cảnh báo gia tăng bệnh viêm màng não virus vào mùa hè

Mùa hè là khoảng thời gian bùng phát bệnh viêm màng não. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, thường...

Thanh niên 17 tuổi ngừng thở sau khi hút thuốc lào

Sau hút thuốc lào, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp ngừng thở, được đưa vào bệnh viện...

Cảnh báo 5 dấu hiệu bất thường nếu phát hiện phải đi khám ngay kẻo UNG THƯ

Nhiều bệnh ung thư không có triệu chứng rõ ràng hoặc rất dễ nhầm lẫn, khiến chúng ta phát hiện...

5 nguyên nhân ngủ điều hòa bị đau họng, nghẹt mũi

Đau họng, nghẹt mũi là những vấn đề thường gặp nếu sử dụng điều hòa qua đêm hoặc không đúng...

Thực hư nước đóng chai để trên ô tô ngày nắng nóng gây ung thư

Nhiều người có thói quen để nước đóng chai trong ô tô và vô tư sử dụng nó mà không...

Uống quá nhiều những loại vitamin này có thể làm tăng huyết áp

Vitamin cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng việc dùng quá liều có thể dẫn đến...

Thời tiết nóng có thể làm tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đây là cách để tránh

Bằng cách thực hiện các bước này, các cá nhân có thể giúp bảo vệ bản thân và những người...

Tin mới nhất

WAFT - Giáo dục tận gốc là giáo dục nhận thức

5 giờ trước

Bé gái sơ sinh bị bỏ trong túi bóng đặt trước cửa bệnh viện ở Hà Nội, tím tái toàn...

6 giờ trước

Dự báo thời tiết hôm nay 24/11: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, miền Trung mưa liên tiếp

6 giờ trước

Xuất hiện chuỗi bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập, Biển Đông nguy cơ “bão chồng bão” cuối tháng...

6 giờ trước

TP.HCM ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

8 giờ trước

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

1 ngày 10 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

1 ngày 10 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

2 ngày trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

2 ngày trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình