Nhầm với trĩ
Bệnh nhân Trần Văn Ch. (62 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) vừa phẫu thuật trị ung thư trực tràng. Theo ông Ch., ông có biểu hiện đại tiện phân lẫn máu 3 tháng nay, người mệt mỏi, vào Bệnh viện Quân Y 4 trong tình trạng thiếu máu, được nội soi và chụp cắt lớp ổ bụng xác định là ung thư trực tràng 1/3 trên giai đoạn T4N3M0.
Ông Ch. đã được các bác sỹ Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 4, Quân khu 4 phẫu thuật nội soi cắt trực tràng triệt căn. Sau phẫu thuật, ông Ch., được điều trị hóa chất bổ trợ và theo dõi định kỳ 3 tháng một lần.
Cũng giống ông Ch., anh Nguyễn Hoàng L. (34 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Bác sĩ siêu âm và chiếu chụp phát hiện có bán tắc ruột nên chỉ định phẫu thuật. Kết quả, bệnh nhân bị ung thư trực tràng, khối u đã phát triển chèn ép hết lòng trực tràng.
Lúc này, anh L. cho biết anh bị rối loạn tiêu hóa từ một năm trước nhưng chủ quan không đi viện khám. Cách đây 6 năm anh đã từng bị trĩ nên nghĩ đó là bệnh trĩ và chỉ uống thuốc nam trị trĩ. Đến khi đau bụng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Điều đáng lo ngại, bố anh L. cũng bị ung thư trực tràng hơn chục năm trước và đã qua đời. Anh L. cũng quên đi căn bệnh của bố mình mà không nghĩ đến bệnh có thể di truyền để điều trị và thăm khám kịp thời. Đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn xâm lấn, khối u lan rộng trong trực tràng và vào trong lòng trực tràng.
Bệnh nhân phải cắt bỏ trực tràng và được tạo một hậu môn nhân tạo. Sau 3 tháng phẫu thuật, sức khỏe anh L. tạm ổn định. Anh L. chia sẻ nếu không chủ quan với sức khỏe, anh chịu khó đi viện kiểm tra sớm thì chắc bệnh đã phát hiện sớm hơn.
Dấu hiệu cần nhớ
Theo TS Phạm Văn Bình, khoa Ngoại Bụng 1 Bệnh viện K Trung ương, ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở nước ta. Bệnh liên quan tới các yếu tố như tuổi tác. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ bị bệnh nhiều hơn.
Ngoài ra, ung thư đại trực tràng còn có yếu tố gia đình. Ở gia đình có người bị ung thư đại trực tràng như bố mẹ, anh chị em thì những người còn lại có nguy cơ bị cao hơn.
Yếu tố tiếp theo liên quan đến ung thư trực tràng là những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu.
Với những người có các yếu tố trên, TS Bình khuyến cáo người bệnh cần có kế hoạch nội soi đại trực tràng của mình bằng ống mềm tại các cơ sở y tế mỗi năm 1 lần để có thể phát hiện sớm bệnh.
Nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh cũng đơn giản và ít tốn kém hơn rất nhiều. Bệnh nhân có thể phẫu thuật triệt căn, điều trị thêm hóa chất bổ trợ nữa để kéo dài thời gian sống.
Với bệnh nhân ở giai đoạn muộn, bệnh đã di căn ổ bụng và các bộ phận khác thì việc điều trị khó hơn, thời gian sống ít hơn.
Dấu hiệu của ung thư trực tràng theo TS Bình là những dấu hiệu gần giống với các chứng rối loạn tiêu hóa như đi ngoài lúc táo, lúc lỏng và kéo dài trong nhiều tuần cần đi khám ngay.
Ngoài ra, dấu hiệu của ung thư trực tràng nữa đó là đi đại tiện xong vẫn muốn đi tiếp và khuôn phân dẹt.
Dấu hiệu kế tiếp là đi đại tiện phân có máu nhầy. Do khối u bị loét kèm theo máu chảy ra và máu lẫn trong phân. Còn với bệnh trĩ, máu lần phân sẽ đỏ tươi, còn máu từ trực tràng do u có đặc điểm nhầy nhầy, phân đen.
Người bệnh cảm thấy đau bụng, sụt cân, có thể sờ thấy u ở bụng.
Khi có các dấu hiệu trên, TS Bình khuyến cáo người bệnh nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để sàng lọc sớm ung thư trực tràng để có cơ hội chữa khỏi bệnh.
Nếu không có điều kiện khám chuyên khoa ung thư thì bệnh nhân có thể khám đa khoa để nội soi đại trực tràng bằng ống mềm. Qua nội soi phát hiện tổn thương, bác sĩ sẽ sinh thiết luôn và chẩn đoán bệnh qua giải phẫu tế bào học.