1. Thành phần dinh dưỡng của chuối
Trong 100g chuối xanh có: Nước 74,91g; năng lượng 89 calo, protein 1,09g, chất béo 0,03g, carbohydrate 22,84g, chất xơ 2,6g, đường 12,23g. Canxi 5mg, photpho 22mg, sắt 0,26mg, kali 358mg, kẽm 0,15mg, natri 1mg.
Trong 100g chuối tiêu chín có: 74g nước, 1,5g protein, 0,4g axit hữu cơ, 22,4g glucid, 0,8g xenluloza, năng lượng 100 calo…
Lượng chất glucid có trong chuối chín rất cao, ở dạng glucoza (20%), fructoza (1,5%) và saccharoza (65%) là những loại đường tự nhiên tốt cho sức khỏe của quả chín, dễ tiêu hóa, cơ thể hấp thụ nhanh và cung cấp nhiều năng lượng.
Chuối cũng là loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C 8,7mg, vitamin A 64 IU, vitamin E 0,1mg; vitamin K 0,5mg, vitamin B6 0,67mg, thiamin 0,031mg, riboflavin 0,073mg, niacin 0,665mg, folate 20mg…
2. F0 điều trị tại nhà nên ăn chuối khi bị sốt
Khi mắc COVID-19, ngoài các biểu hiện thường gặp như ho, sốt, nhiều người sẽ có cảm giác nhạt miệng, chán ăn. Lúc này, chuối là một lựa chọn hoàn hảo vì chúng dễ nhai và nuốt, lại có vị ngọt dễ chịu.
Chuối cũng rất giàu vitamin và khoáng chất như kali, mangan, magiê, vitamin C và vitamin B6. Ăn chuối hàng ngày sẽ làm giảm các triệu chứng sốt vì làm tăng các tế bào bạch cầu, cải thiện khả năng miễn dịch và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
3. Ăn chuối tốt cho tiêu hóa
Chuối là nguồn cung cấp kali dồi dào và một nguồn chất xơ hòa tan tốt. Đây là loại trái cây thường được khuyên dùng khi bị rối loạn tiêu hóa, một trong những triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19. Trung bình một quả chuối có thể cung cấp khoảng 422mg kali, tương đương với 9% hàm lượng kali cần thiết của cơ thể mỗi ngày.
Nhờ có hàm lượng vitamin C cao, chuối có thể cung cấp khoảng 15% lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Đây là loại quả giúp hệ tiêu hóa dễ tiêu, chứa nhiều chất xơ giúp chống táo bón đồng thời hỗ trợ tiêu hóa. Do vậy, nên ăn chuối chín để vừa bổ sung chất dinh dưỡng vừa hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
TS. Nguyễn Đức Quang
Theo Đông y, chuối tiêu vị ngọt, tính lạnh, vào vị, đại tràng. Có tác dụng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai.
4. Chuối giúp giảm viêm họng
Theo quan điểm dân gian truyền miệng khi bị ốm không nên ăn chuối, đặc biệt khi bị viêm họng. Tuy nhiên theo quan điểm hiện đại, chuối là loại trái cây không chứa axit, rất dịu nhẹ cho cổ họng. Nhờ đặc điểm chuối rất mềm và dễ nuốt, do đó nó không gây tổn thương vùng họng. Ngoài ra, chuối giàu vitamin B6, C và kẽm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Do đó chuối được đánh giá là loại hoa quả tốt cho người đang bị viêm họng.
5. Chuối trị ho có đờm
Khi bị F0 điều trị tại nhà, nếu có biểu hiện ho có đờm, hãy chưng cách thủy chuối và đường phèn, ăn ngày 1 lần có tác dụng điều trị ho có đờm ở dạng nhẹ.
6. Giảm mệt mỏi, căng thẳng
Chuối là một loại trái cây rất tốt cho cơ thể, mang đến tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ ăn uống ngon miệng hơn. Vitamin B6 là một những nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất có trong chuối. Bổ sung vitamin B6 trong khi đang điều trị F0 tại nhà làm giảm tình trạng mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm và mệt mỏi.
Xương sẽ vững chắc hơn nhờ hàm lượng magie có trong chuối. Bên cạnh đó, kali giúp ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp và tim mạch. Chuối được xem là một phương thuốc tự nhiên đối với người đang bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, cảm cúm.
7. Lưu ý ăn chuối đúng cách
7.1 Không nên ăn quá nhiều
Chuối là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa rằng chúng ta nên ăn quá nhiều chuối mỗi ngày. Chuối có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và axit amin, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn tới thừa chất, rối loạn các vi chất trong cơ thể.
Thậm chí những trường hợp ăn quá nhiều chuối trong khoảng một thời gian ngắn sẽ khiến gây ra các triệu chứng tăng kali máu, gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Đồng thời, lượng kali vào cơ thể quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận, làm cho thận bị quá tải trong việc loại bỏ bớt kali và canxi dư thừa ra khỏi cơ thể. Chính vì thế, mỗi ngày không nên ăn quá 2 quả chuối. Người bệnh đái tháo đường chú ý không nên ăn nhiều chuối, nhất là chuối chín.
7.2 Không nên ăn khi đói
Ăn chuối lúc đang đói sẽ khiến cho hàm lượng magie trong máu tăng lên một cách đáng kể, phá vỡ sự cân bằng canxi - magie trong máu. Điều này dẫn tới quá trình đưa máu lên tim bị ảnh hưởng và cuối cùng là làm rối loạn tim mạch, gây hại cho hệ tim mạch.
7.3 Không ăn vào buổi sáng sớm
Trong thành phần của chuối có chứa serotonin, dễ khiến cơ thể cảm thấy buồn ngủ. Do đó, ăn chuối vào buổi sáng có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong ngày. Tốt nhất nên ăn vào buổi trưa, sau khi ăn 1-2 giờ hoặc sau khi ăn tối sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
7.4 Nên chọn chuối sạch, không hóa chất
Thông thường, chuối chín cây thường không chín đều, trên nải chuối có quả chín, có quả xanh và khi chín thường xuất hiện nhiều chấm màu đen.
Nếu chuối được ép chín bằng hóa chất thì thường có thân chín vàng rất đều và đẹp, tuy nhiên ở cuống sẽ vẫn còn xanh và có dính nhựa. Khi ăn, chuối vẫn bị sượng. Vì vậy, khi mua cần lưu ý những điều trên để chọn những quả chuối ngon và an toàn.