Bà mẹ bỉm sữa Nguyễn Hoa cũng như nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ khác rất sốt ruột khi con thường xuyên ho hắng, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, viêm phế quản. Nhất là thời tiết bắt đầu se lạnh vào đông, trẻ có hệ miễn dịch yếu thì tình trạng viêm họng, viêm phế quản xảy ra như cơm bữa.
Khi trẻ bị như vậy, chị Hoa thường thấy các mẹ bỉm sữa khác hay cho con uống thuốc kháng sinh hoặc đi khám bác sĩ và uống thuốc theo đơn. Thậm chí nhiều mẹ còn táo bạo tự ra nhà thuốc, kể các triệu chứng con mắc và lấy thuốc cho con uống mà chẳng cần thăm khám.
Với chị Hoa, mỗi khi thời tiết giao mùa hay trở trời khiến con trai chị ho, hắt hơi, sổ mũi hay viêm họng, viêm phế quản, chị thường cho con uống nước lá trầu. Nhiều người có thể không tin khi chỉ nhờ những lá trầu mà lại có thể điều trị chấm dứt cơn ho cho trẻ con.
Cũng với phương pháp điều trị ho, sốt bằng lá trầu, chị Hoa còn áp dụng cho cả người lớn trong nhà. Và lần nào chị cũng thành công mà không phải dùng tới bất cứ viên thuốc kháng sinh nào.
Chị Hoa nhớ lại lần đầu tiên cho con uống nước lá trầu: “Một lần, bé nhà mình nghịch nước lạnh cả tiếng đồng hồ. Tối đến bé sốt, ho dữ dội. Bé còn thở khò khè. Có lúc con thở rít không ra hơi. Mình lo phát khóc, cả đêm không dám ngủ”.
Sáng hôm ấy, vợ chồng chị Hoa định cho con đi bệnh viện. Tuy nhiên, chồng chị lại bận công việc không đi được ngay. Vì thế, ở nhà với con, nghĩ tới công dụng của lá trầu lúc chị còn nhỏ thường được mẹ chị lấy để điều trị ho, sốt. Nhà có sẵn cây trầu trồng gần bể nước, chị thử ra hái 5 lá trầu mang vào rửa sạch và giã nát lấy nước cho con uống.
“Sau khi mang lá trầu vào, mình rửa sạch, để ráo nước rồi lấy chày giã nát. Đổ 300ml nước sôi vừa nấu vào bát lá trầu giã nát và ngâm 30 phút. Sau thời gian trên, mình lọc lấy nước, cho thêm 6 thìa mật ong là được 1 thức uống đặc trị ho, sổ mũi, thở khò khè cho con uống”, chị Hoa hướng dẫn chi tiết.
Theo chị Hoa, sau khi tự làm nước lá trầu cho con uống, mỗi lần cho bé uống 3 thìa. Ngày chị Hoa cho con uống 2 lần sau ăn. Cứ thế, chỉ cho con uống nước lá trầu không trong 3 ngày, con chị đã khỏe re, đỡ hẳn triệu chứng ho, sổ mũi, thở khò khè.
“Thấy có hiệu quả, mình lại tiếp tục cho con uống thêm 3 ngày nữa là dứt hẳn. Vì thế, mình cho con ngừng uống. Thời điểm này, bé con đầu của nhà mình cũng bị viêm phế quản, mình lại tiếp tục làm cho cả con trai đầu uống. Và cũng chỉ sau 5 ngày, cu anh cũng khỏi viêm phế quản mà chẳng cần đi khám bác sĩ”, chị Hoa khoe.
Từ đó trở đi, thấy 2 con hợp với lá trầu không nên cứ mỗi lần 2 con trai ho hắng, sổ mũi, thở khò khè là ngay lập tức chị Hoa lại áp dụng bài thuốc trên cho bé uống. Hai con trai chị từ đó nói không với thuốc kháng sinh.
Bà mẹ trẻ này cho biết, chị chia sẻ kinh nghiệm chữa ho, sổ mũi, thở khò khè cho bé bằng lá trầu không là muốn hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều mẹ nuôi con nhỏ trong cuộc chiến con ốm sốt, viêm họng. Nhất là khi thời điểm mùa đông lạnh ở miền Bắc đã sắp vào mùa.
Bà mẹ này cũng lưu ý, nếu như với các bé dưới 1 tuổi, các chị em nên thay mật ong bằng đường phèn: “Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong mà nên dùng đường phèn thay thế. Chỉ cần bỏ đường phèn vào nước rồi nấu luôn. Sau đó, đổ nước đường phèn vào lá trầu không đã giã. Thường thì 5 lá trầu không, các mẹ cho khoảng 2 muỗng cà phê đường phèn vào nhé. Khi ăn, cho bé uống ngày 2 muỗng này và chia 2 lần sau ăn no”.
Chị Hoa cũng cho biết, với 5 lá trầu không, chị em có thể cho bé uống được 5 ngày bằng cách: “Các mẹ có thể bỏ nước lá trầu không đã lọc vào chiếc cốc thủy tinh để trong tủ lạnh. Sau đó mỗi lần uống hâm ấm lên hoặc pha nước nóng là con có thể uống được”
Nói về công dụng của lá trầu trong việc trị ho, sổ mũi, Lương y Vũ Quốc Trung, phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hội Đông y Hà Nội cho biết, lá trầu là một trong những vị thuốc cực kỳ hữu ích trong việc trị ho cho trẻ.
Theo lương y Vũ Quốc Trung lý giải, lá trầu có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Nhờ đặc tính này chúng có tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu thũng chỉ thống, hoá đờm, chống ngứa.
Đặc biệt, trong lá trầu còn chứa tinh dầu thơm tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn nên cũng thích hợp đề chữa bệnh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản co thắt do nhiễm lạnh (phong hàn).
Lương y Trung cũng khẳng định, ngoài lá trầu, người ta có thể kết hợp thêm với mật ong chanh hoặc gừng để chữa viêm họng khá hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất cứ biện pháp dân gian nào, các bà mẹ trẻ nên hỏi ý kiến bác sĩ đông y để được hướng dẫn về liều lượng cụ thể cũng như cách thực hiện đúng và hiệu quả nhất.