Mang thai 36 tuần, tôi vào viện làm hồ sơ sinh. Suốt cả quá trình khám thai định kỳ, chồng tôi luôn cố gắng đưa vợ đi, và lần này cũng thế.
Tôi quyết định sinh con ở một bệnh viện tư. Đến nơi, tôi được hướng dẫn cặn kẽ các thủ tục. Trước khi làm hồ sơ sinh, cô y tá hỏi một số thông tin cá nhân, tiền sử thai sản của tôi đề ghi vào hồ sơ.
Bất ngờ, cô y tá hỏi: “Trước đây chị có sảy hay nạo hút thai lần nào không?”. Câu hỏi khiến tôi đứng hình mất vài giây, ông xã của tôi thì đang ngồi ngay bên cạnh. Tôi không kịp nghĩ gì cả, ấp úng nói: “Có một lần sảy thai”.
- “Cách đây bao lâu rồi?”, cô y tá hỏi tiếp.
- “3 năm!”.
Câu trả lời đó làm chồng tôi sửng sốt. Anh quay sang nhìn vợ với ánh mắt đầy ngỡ ngàng. Sau khi khai xong thông tin, tôi được hướng dẫn đi làm các xét nghiệm, còn anh ngồi đợi ở sảnh lễ tân.
Tôi đi làm các xét nghiệm trong tâm trạng lo lắng, lòng như lửa đốt. Tôi biết, chồng tôi sốc và chắc chắn là rất giận, vì anh vốn không biết câu chuyện này.
3 năm trước, sau khi chia tay bạn trai cũ 3 tháng thì tôi phát hiện ra mình có thai. Dù không còn tình cảm nhưng tôi vẫn nói cho anh ấy biết, vì anh là bố đứa trẻ. Biết chuyện, anh bảo sẽ về nói chuyện với bố mẹ và tổ chức đám cưới. Tôi muốn con mình có bố, cũng sợ phải đối diện với thị phi “không chồng mà chửa” nên đồng ý. Tuy nhiên, đám cưới chưa kịp diễn ra thì tôi bị tai nạn trên đường đi làm, không giữ được em bé.
Con không còn, anh ta cũng hủy hôn. Khi đến với người chồng hiện tại, chúng tôi từng nói chuyện với nhau về người yêu cũ, nhưng tôi không kể cho anh chuyện mình từng bị sảy thai. Tôi muốn quá khứ ngủ yên.
Chồng tôi là người đàn ông tốt bụng, thành đạt song anh khá gia trưởng. Gần 2 năm qua, chúng tôi đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Anh rất yêu chiều tôi nhưng cũng rất có uy. Đặc biệt, chồng tôi luôn nói một câu: “Anh ghét nhất ai nói dối anh”.
Lúc nãy khi cô y tá hỏi, tôi rất hoảng hốt và hoang mang, nhưng cũng không thể nói dối vì sợ rằng điều đó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến bản thân và em bé trong bụng.
Sau khi làm xong các xét nghiệm, vợ chồng tôi ra về. Vừa lên xe, anh đã hỏi tôi về chuyện sảy thai. Tôi đã nói hết mọi chuyện cho anh nghe. Ngay lập tức, chồng tôi tuyên bố: “Em đẻ xong đi, rồi chúng ta sẽ ly hôn”.
Tôi đau khổ vô cùng, dù xin lỗi, giải thích thế nào anh cũng không chấp nhận. Tôi yêu chồng, tôi đang có cuộc sống rất tốt và không muốn mất đi tất cả. Không biết bây giờ, tôi phải làm thế nào đây?
Vì sao cần làm hồ sơ sinh?
- Việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ trước dự kiến sinh khoảng 1 tháng sẽ giúp mẹ bầu cũng như các bác sĩ chuyên khoa nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để có sự chuẩn bị tốt nhất trong ca sinh nở.
- Làm hồ sơ sinh sớm giúp mẹ đỡ vất vả, đỡ phải làm nhiều thủ tục trong lúc đã bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dạ.
- Đối với những ca sinh khó, có tính chất đột ngột, nhiều bệnh viện sẽ từ chối tiếp nhận bệnh nhân hoặc chuyển viện vì mẹ không cung cấp đủ thông tin theo dõi thai kỳ.
- Các xét nghiệm được thực hiện khi làm hồ sơ sinh: Xét nghiệm và phân tích máu tổng thể; Xét nghiệm vi sinh miễn dịch (HIV, giang mai, viêm gan B,...); Xét nghiệm vi sinh vi khuẩn, tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B; Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu; Nghiệm pháp dung nạp glucose ở phụ nữ có thai; Làm Non-stress test: Đếm cử động và nghe nhịp tim của thai nhi để đánh giá hiệu quả tình trạng sức khỏe của thai; Siêu âm thai.
- Chuẩn bị giấy tờ để làm hồ sơ sinh gồm: Sổ hộ khẩu bản chính và bản photocopy; Thẻ căn cước bản chính và bản photocopy; Thẻ bảo hiểm (có dán ảnh) bản chính và bản photocopy.
- Chi phí làm hồ sơ sinh rơi vào khoảng 1,2 - 2 triệu đồng tùy bệnh viện.