Ông Cao Lai (SN 1959, ở thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được nhiều người dân trong vùng nể phục khi vừa chăm người vợ bệnh tật, vừa nuôi con gái vào đại học.
Trở về từ chiến trường Campuchia năm 1979, ông Lai bị mảnh đạn đâm xuyên qua cổ và phổi với tỉ lệ thương tật 61%. Di chứng chiến tranh khiến ông mắc nhiều bệnh, thường thở hổn hển, ăn uống khó khăn. Chưa kể khi lên cơn, bệnh tật hành hạ ông đủ đường.
Trước đây, ông Lai từng là trưởng thôn, còn vợ ông, bà Bùi Thị Chanh (SN 1964) là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, gia đình ấm êm với 2 đứa con ngoan là Cao Xuân H. (SN 1997) và Cao Thị Phương Thảo (SN 2001). Thế nhưng, tháng ngày hạnh phúc chưa được bao lâu, tai hoạ đã liên tiếp bủa vây.
Năm 2015, người con trai 18 tuổi của ông bà qua đời vì tai nạn giao thông. Nỗi mất mát quá lớn ập đến, vợ ông không vượt qua được. Thương nhớ con, bà Chanh ngày đêm ôm di ảnh con, đau buồn đến quên ăn, quên ngủ. Dần dà, bà rơi vào trầm cảm nặng, sức khoẻ suy kiệt.
Chỉ còn 3 thành viên trong căn nhà nhỏ, bà Chanh lại bị bệnh, ông Lai như con thiêu thân lao vào làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho vợ.
Nào ngờ, bệnh tình của bà Chanh ngày càng nặng hơn. Không lâu sau đó, bà bị liệt, không nói được, tay chân co quắp, mọi sinh hoạt đều nhờ vào ông Lai.
Trong căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp, hàng ngày ông Lai phải dậy sớm vệ sinh cho vợ. Sau đó, ông nấu cháo và xay mịn thành nước rồi mớm từng thìa cho bà. Chân tay bà Chanh bị co cứng lại, không thể cử động nên nhiều vị trí bị lở loét, phải nhờ ông Lai sát trùng, vệ sinh.
Khi dành dụm được một chút tiền, ông cũng khăn gói đưa vợ đi khắp nơi chạy chữa. Vậy nhưng đến đâu, ông cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu bất lực. Bác sĩ chẩn đoán bà Chanh bị di chứng hậu tai biến đã lâu, giờ không thể chữa trị, khuyên ông đưa vợ về nhà chăm sóc.
Trong khoảng thời gian này, việc em Phương Thảo báo tin đỗ trường đại học ở Đà Nẵng thắp lên hy vọng cho cuộc đời khổ sở của ông Lai. Ông thương đứa con hiếu thảo nhưng lại lo không có tiền cho con theo học.
Để Thảo nhập học, ông đã vay mượn hơn 70 triệu đồng, giúp con có cơ hội vào giảng đường, thay đổi cuộc đời. Ở tuổi xế chiều, buổi ngày ông cặm cụi chăm vợ, tối đến lại đi làm bảo vệ, dắt xe ở các hàng quán để trả tiền lãi hàng tháng.
Trong khi đó, tiền bỉm, sữa và thuốc thang điều trị của bà Chanh cần khoảng 100.000 đồng/ngày. Thương cha mẹ, Thảo cũng cố gắng xin đi làm thêm từ năm thứ nhất để tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình.
“Tôi cũng mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng cố gắng gượng để lo cho vợ con. Lúc nào quẫn quá, tôi lại sang hàng xóm vay mượn tiền mua thuốc cho vợ, nhưng không biết khi nào mới trả được”, ông Lai nghẹn ngào. Để tiết kiệm tiền, ông chỉ ăn cơm trắng với mắm muối qua ngày.
Ông Bùi Quốc Hùng – Chủ tịch UBND xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) cho biết, gia đình ông Lai gặp nhiều biến cố nên kinh tế kiệt quệ, rất khổ sở. Mong bạn đọc gần, xa hỗ trợ thêm để gia đình vơi bớt khó khăn.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Ông Cao Lai, thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. SĐT: 0832.745.970
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2023.069 (ông Cao Lai)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Vietinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamNet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 19001081.