Bánh trung thu là món bánh truyền thống hàng năm vào rằm tháng tám. Trong ngày Tết trung thu, mâm cỗ của các gia đình không thể thể thiếu các loại bánh dẻo bánh nướng với đủ các hương vị đặc trưng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn bánh trung thu, ăn và bảo quản loại bánh này như thế nào không phải ai cũng biết.
Tiến sĩ Bác sĩ Đoàn Huy Cường, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết hiện nay bên cạnh các loại bánh trung thu có thương hiệu uy tín, có nhãn mác đầy đủ còn rất nhiều loại bánh không có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, không có nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng lại không đầy đủ thông tin.
Thành phần cơ bản của các loại bánh trung thu
Bác sĩ Cường cho biết bánh trung thu gồm hai phần là vỏ bánh và nhân bánh. Bánh trung thu truyền thống thường được làm từ bột mì tinh luyện, đường, bơ, dầu thực vật, bột đậu dạng nhuyễn và tẩm ướp với đường, có thể thêm cả lòng đỏ trứng.
Ngoài các thành phần chứa các chất dinh dưỡng trên, bánh trung thu còn có thể có các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi… và các chất bảo quản để bảo quản được bánh lâu hơn.
"Với các loại bánh có thương hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nguyên liệu làm bánh cũng như việc sử dụng các chất phụ gia và chất bảo quản được thực hiện chặt chẽ. Việc sử dụng đúng cách, hợp lý các loại bánh trung thu này sẽ không gây hại đến sức khỏe của chúng ta", bác sĩ Cường thông tin.
Hậu quả của việc sử dụng bánh trung thu không rõ nguồn gốc
Thời điểm gần tết Trung thu, rất nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng nội dung không ghi đầy đủ thành phần, hạn sử dụng, đỉa chỉ nơi sản xuất không rõ ràng khiến người tiêu dùng hoang mang.
Bác sĩ Cường cho biết các loại bánh này thường không tuân theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
Nguyên liệu làm vỏ bánh và nhân bánh không đảm bảo, có thể được sử dụng từ các nguồn thực phẩm không chất lượng, đã hết hạn sử dụng hoặc có thể là nhập lậu.
Bên cạnh nguyên liệu làm bánh không đảm bảo, việc sử dụng các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi và sử dụng các chất bảo quản quá liều lượng quy định hoặc không nằm trong danh mục được cấp phép sử dụng cũng gây các tác hại không nhỏ đến sức khỏe.
Bác sĩ Cường cảnh báo các loại bánh trung thu này có thể gây tác hại cấp tính như gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Sử dụng nhiều và kéo dài có thể gây nên các tác hại mạn tính do việc sử dụng các chất phụ gia và các chất bảo quản sai quy đinh như làm tăng các bệnh lý liên quan đến hô hấp, các vấn đề liên quan đến trẻ nhỏ như chứng hung hăng và lười suy nghĩ, ngoài ra một số chất phụ gia và chất bảo quản còn được chứng minh là yếu tố gây nên một số loại bệnh ung thư…
Cách sử dụng bánh trung thu tốt cho sức khỏe
Để có mùa một tết Trung Thu vui vẻ, an lành, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe khi dùng các loại bánh trung thu, bác sĩ Cường cho biết nên sử dụng các loại bánh đã có thương hiệu, có quy trình sản xuất với các loại nguyên liệu, các chất phụ gia và chất bảo quản theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng bánh trung thu còn trong hạn sử dụng ghi trên bao bì.
Năng lượng của bánh trung thu thường khá cao nguyên nhân do bánh sử dụng khá nhiều dầu mỡ và đường tinh. Các chuyên gia ước tính một chiếc bánh Trung Thu đậu đỏ cỡ nhỏ chứa tới 270 kcal, một chiếc bánh trung thu có lòng đỏ trứng có thể chứa đến 420 Kcal (tương đương hơn 1,5 bát cơm đầy).
Do đó, bác sĩ Cường khuyến cáo các thành viên sử dụng quá nhiều bánh trung thu là không tốt, gây thừa năng lượng cho cơ thể.
Thay vào đó, nên cắt bánh ra thành nhiều miếng nhỏ và cùng thưởng thức với gia đình, bạn bè. Không nên ăn bánh trung thu thay cho bữa sáng, không ăn bánh cùng với các loại đồ uống có gas, nhiều đường vì sẽ làm tăng hấp thu và tăng năng lượng cho cơ thể…