Bơi lội là môn thể thao “toàn năng” giúp bé phát triển chiều cao, thể lực, rèn luyện kỹ năng. Do đó, vào mùa hè nhiều bậc cha mẹ thường cho con đi học bơi để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi cho con tiếp cận với môn thể thao này, cha mẹ cần tham khảo một số kinh nghiệm để bảo vệ sức khỏe bé.
Đặc điểm làn da của trẻ khi tiếp xúc với ánh nắng và nước hồ bơi
Tại các hồ bơi công cộng, người ta thường dùng nước clo để diệt khuẩn nhằm hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Với đặc điểm nhạy cảm, làn da và niêm mạc trẻ em sẽ dễ bị kích ứng nếu nồng độ clo quá cao.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên bộ môn Nhi – Đại học Y dược TP.HCM cho biết nồng độ clo cao tại các hồ bơi cũng có thể khiến nhiều trẻ em lên cơn hen. Trẻ uống phải nước này sẽ có nguy cơ bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
"Nghiêm trọng hơn, một số hồ bơi sẽ sử dụng hóa chất cấm Sulfat đồng để diệt khuẩn thay vì dùng clo. Đây là chất độc kích thích mạnh da và niêm mạc, gây viêm ống tiêu hóa, tổn thương gan, thận… cho trẻ em", bác sĩ Thùy Dương thông tin.
Bên cạnh đó, đi tắm hồ bơi đồng nghĩa với việc làn da bé sẽ liên tục tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Các tia UV và những tia sáng nhìn thấy được đều gây hại cho làn da non nớt của trẻ em.
Da trẻ bắt đầu ửng đỏ chỉ sau 15 phút hoạt động ngoài nắng. Sau 12 giờ, cha mẹ sẽ thấy các thương tổn, sạm da ở trẻ em. Nhiều vết bỏng nặng có còn nguy cơ gây ung thư da về sau.
Những lưu ý quan trọng khi cho trẻ học bơi vào mùa hè
Trước đặc điểm nhạy cảm của làn da trẻ em khi tiếp xúc với nước hồ bơi và ánh nắng mặt trời, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương khuyên cha mẹ một số điều cần lưu ý như sau:
Tiêu chuẩn vệ sinh hồ bơi
Cha mẹ cần kiểm tra bể bơi cho trẻ đăng ký học có đáp ứng các điều kiện cơ bản hay không. Cần đảm bảo hồ bơi đã được kiểm định chất lượng, nước hồ không có mùi hắc (nồng độ clo quá cao sẽ khiến nước hồ bơi có mùi khó chịu).
Nước hồ trong, màu xanh nhạt như màu trời, không vẩn đục, không có rác. Tuyệt đối không nên bơi ở hồ nước có màu xanh ngắt dậy mùi kim loại, hơi nhớt (đặc điểm này chứng tỏ nước được khử khuẩn bằng Sulfat đồng). Cha mẹ cũng cần tránh cho trẻ học ở những bể bơi quá đông người.
Tránh tiếp xúc ánh nắng rực tiếp
Làn da mỏng manh của trẻ dễ bị tia cực tím làm tổn thương. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ bơi trong bóng râm. Tổn thương do ánh nắng sẽ tích tụ trong thời gian dài, cha mẹ nên bảo vệ da trẻ càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ phải bơi ngoài nắng, cần tránh cho trẻ bơi vào giữa trưa (thời điểm tia UV chiếu mạnh nhất). Đồng thời bôi kem chống nắng cho trẻ trên 6 tháng tuổi với chỉ số chống nắng SPS từ 15 trở lên, không thấm nước. Các sản phẩm kem, lotion tốt hơn dạng kem phun vì giữ được trên da lâu hơn.
Để đạt hiệu quả chống nắng cao, cha mẹ nên bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi ra nắng ít nhất 30 phút và lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ hoặc sau khi tắm.