Nguyên nhân trẻ mắc bệnh nha chu
Nha chu là tổ chức xung quanh răng bao gồm nướu, xương ổ răng, xê măng và dây chằng nha chu… có chức năng chính là chống đỡ và giữ răng trong xương hàm.
Bệnh nha chu là bệnh của các mô quanh răng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ. Trẻ em trong độ tuổi mầm non trở lên rất dễ mắc các bệnh nha chu do thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách.
Bác sĩ Nguyễn Phương Như – Khoa Nha chu Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (TPHCM) cho biết, trẻ có thể mắc một trong các bệnh nha chu nếu chải răng không đúng cách. Hai trong những bệnh nha chu ở trẻ là viêm nướu răng và viêm nha chu.
Nướu răng là phần mềm bao quanh chân răng. Trẻ bị viêm nướu có biểu hiện sưng đau, mềm bở, chuyển từ màu hồng nhạt sang đỏ ửng hoặc xanh xám. Răng trẻ sẽ có biểu hiện chảy máu trong khi ăn hoặc khi chải răng, trường hợp nặng có thể gây chảy máu tự phát.
Đối với trường hợp viêm nha chu, răng trẻ có biểu hiện dễ lung lay, nướu sưng đỏ, tách ra khỏi răng, tự chảy máu. Trẻ cảm thấy đau khi nhai thức ăn, hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Phòng ngừa và điều trị bệnh nha chu ở trẻ em
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Như, trẻ mắc các bệnh nha chu cần được đưa đến nha sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Nha chu không chỉ là căn bệnh liên quan đến răng miệng mà còn có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân chủ yếu của những căn bệnh này xuất phát từ thói quen vệ sinh răng miệng không sạch sẽ của bé. Vì vậy, ngay từ thời điểm bé mọc chiếc răng đầu tiên, mẹ hãy tập cho trẻ đánh răng và dạy bé cách chăm sóc răng miệng một cách kỹ càng.
Bác sĩ Nguyễn Phương Như hướng dẫn, để chải răng đúng cách, mẹ cần tập cho trẻ theo hướng dẫn cụ thể như sau:
- Chải răng cho trẻ 3 – 4 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ và 30 phút sau bữa ăn. Mẹ dạy bé chải răng nhẹ nhàng, từ 6 – 10 lần mỗi vùng răng. Sau khi chải răng, cần làm sạch bàn chải và nơi khô ráo.
- Những trẻ chưa biết ngồi mẹ cho ngồi trên đùi hoặc dựa lưng vào người mẹ. Trẻ sau 3 tuổi sẽ có thể ngồi một mình trên ghế học cách tự chải răng.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên đưa trẻ đến nha sĩ kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần đặc biệt trong các trường hợp răng lợi trẻ có biểu hiện thất thường.