Những năm gần đây, tại Trung Quốc, khi chi phí kết hôn không ngừng tăng lên, số lượng quà đính hôn cũng tăng theo, từ hàng chục nghìn nhân dân tệ đến hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu nhân dân tệ. Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở đây cũng góp phần gây ra tình trạng “sính lễ trên trời”, khiến đàn ông nhiều nơi khó khăn trong việc lấy vợ, đặc biệt là tại nông thôn.
Có một người đàn ông sống ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã thông qua mai mối để tìm đối tượng kết hôn. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức, nhà trai đã chi ra hơn 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng). Thế nhưng sau khi vợ chồng ở với nhau 33 ngày, hai người họ xảy ra nhiều mâu thuẫn và người vợ đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Người chồng ban đầu cho rằng vợ vì tránh mặt mình nên mới làm như vậy. Mấy ngày không có liên lạc gì, anh thấy không thể ngồi yên được nữa mà chạy đến nhà bố mẹ vợ thì phát hiện vợ mình không có ở đó, bố mẹ vợ cũng không mấy thiện cảm với anh, như thể con gái họ đã bị đối xử rất quá đáng.
Người đàn ông không ngừng xin lỗi bố mẹ vợ, hứa sau này sẽ đối xử tốt với vợ, mong họ có thể thuyết phục để cô về nhà. Không ngờ, bố mẹ vợ lúc này từ chối cung cấp bất kỳ thông tin liên lạc nào của con gái, liên tục nói “Ta không biết, ta không biết”, rằng họ không liên quan gì đến chuyện của những người trẻ.
Câu nói này nghe cũng có lý khi người lớn tuổi không can thiệp vào hôn nhân của người trẻ cũng là sự lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến trong lòng người con rể không khỏi có những câu hỏi.
Người đàn ông không nhận được tin tức gì về vợ nên chỉ có thể tuyệt vọng về nhà. Mấy tháng sau vẫn không có tin tức, cộng với những điều bất thường trong khoảng thời gian này, người đàn ông nghi ngờ mình đã bị lừa đảo để chiếm tiền sính lễ.
Điện thoại của vợ luôn tắt, nhắn tin không trả lời, người chồng lúc này thực sự đã tỉnh, đến nhà bố mẹ vợ để làm rõ mọi chuyện nhưng bố mẹ vợ lại không hề lo lắng. Nếu không tìm được vợ thì không có cách nào giải quyết được vấn đề. Để ép vợ phải ra mặt, người đàn ông giăng biểu ngữ và dùng loa nói trước cửa khu dân cư nhà vợ, yêu cầu họ phải ra mặt và trả lại sính lễ.
Người đàn ông nói: “Anh đã chi hơn 500.000 nhân dân tệ để cưới em. Nếu em không muốn tiếp tục đồng hành với anh, chỉ cần hoàn lại tiền. Đây là số tiền bố mẹ tôi vất vả kiếm được, trốn tránh không ích gì đâu.” Có lẽ vì sợ xấu hổ hoặc lý do nào đó nên gia đình nhà gái không xuất hiện, chỉ có người đàn ông và gia đình giăng biểu ngữ ra đường với hy vọng bằng cách này sẽ lấy lại được sính lễ.
Quá trình hai người đến với nhau cũng khiến ai nấy ngỡ ngàng. Họ gặp nhau thông qua mai mối, đính hôn sau 3 ngày, tổ chức đám cưới trong vòng chưa đầy 1 tháng và xa nhau chỉ trong vòng hơn 2 tháng.
Về chi phí đám cưới của hai người, người đàn ông cũng đưa ra thông tin chi tiết: Chi phí cho lễ đính hôn là 88.000 nhân dân tệ (300 triệu đồng), chi phí cho đám cưới là 99.000 nhân dân tệ (340 triệu đồng), trang sức vàng bạc 42.000 nhân dân tệ (140 triệu đồng)… tổng cộng là 513.000 nhân dân tệ. Anh nói chi phí đám cưới không cần phải hoàn trả, nhưng người phụ nữ cần phải trả lại hơn 200.000 nhân dân tệ cho tiền đính hôn và tiền cưới, tiền trang sức…
Sau khi vụ việc bị phanh phui đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Các ý kiến đều cho rằng người đàn ông này thực sự đã bỏ ra hàng trăm nghìn tệ để mua lấy trải nghiệm bị lừa.
“Giăng biểu ngữ xem ra cũng vô ích thôi, muốn lấy lại tiền thì cách duy nhất là khởi kiện. Nhưng cũng mệt mỏi lắm khi thời gian dài mà có thắng thì cũng chưa chắc lấy lại được tiền từ đối phương.”
“Như vậy đúng là lừa đảo chứ còn gì nữa? Không một người vợ nào giận chồng lại như vậy và cũng không có bố mẹ vợ nào hành xử như thế.”
“Khổ thân gia đình nhà trai, 530 nghìn tệ có phải là ít đâu.”