Chủ doanh nghiệp bấn loạn vì lo thưởng Tết cho nhân viên
Thời gian cuối năm, số người gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần cần phải can thiệp, điều trị có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, đây cũng là điều dễ hiểu, bởi nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống, đến áp lực gia đình đều dồn vào những ngày tháng cuối cùng của năm cũ. Không chỉ những người thu nhập thấp, công nhân hay nhân viên gặp các vấn đề như trầm cảm, stress, căng thẳng… mà nhiều lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cũng phải nhờ đến sự can thiệp và tư vấn của các bác sĩ.
Ths.BS Nguyễn Hồng Bách - Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP (Hà Nội) cho biết, trong tháng 12/2023, ông tiếp nhận 5 trường hợp đến tư vấn vì gặp những vấn đề như áp lực công việc, áp lực chuyện lương thưởng cuối năm. “Tất cả những người này đều là lãnh đạo ngân hàng, giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan nhà nước...”, bác sĩ Bách cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, những chủ doanh nghiệp tới tham vấn tâm lý trong thời gian qua đều liên quan đến chuyện tiền lương, thưởng Tết.
Điển hình như một nữ giám đốc doanh nghiệp tư nhân, dù sắp đến Tết nhưng mới lo trả được 50% lương tháng tiếp theo cho nhân viên. Giờ đây, người phụ nữ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì không biết phải kiếm đâu ra tiền để trả nốt phần lương còn lại và tiền thưởng khi Tết Nguyên đán đã cận kề. “Lương chưa lo xong thì những khoản thưởng Tết đã đến, rồi đời sống anh em sẽ như thế nào khi cả gia đình họ chỉ trông vào khoản thu cuối năm”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ nỗi lo.
Nữ giám đốc cũng cho biết, sau nhiều ngày lo âu, bà cảm thấy cơ thể mệt mỏi, mất ngủ và muốn được giãi bày tâm sự, nói hết những nỗi niềm trong lòng để tinh thần thoải mái hơn nên đã tìm đến chuyên gia tâm lý.
Theo bác sĩ Bách, với những trường hợp này, ông không coi họ là bệnh nhân, mà chỉ tư vấn, chia sẻ với họ như những người bạn, giúp họ gỡ rối và cân bằng tâm lý. Tài chính hiện là vấn đề khó khăn chung, chứ không chỉ riêng một doanh nghiệp nào, vì thế cần những người lãnh đạo cũng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ từ những cán bộ, nhân viên thuộc cấp.
Đừng để giọt nước tràn ly
TS.BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, cuối năm là thời gian bận rộn, khối lượng công việc nhiều hơn ngày thường, nhất là với những người đứng đầu doanh nghiệp cơ quan, vì thế áp lực, stress xảy ra là điều dễ hiểu. Khi những áp lực ấy bị dồn nén lớn hơn sức chịu đựng, giống như “giọt nước tràn ly”, có thể khiến những người lãnh đạo kiệt sức, rối loạn lo âu, trầm cảm… Còn với những người ở cấp nhân viên, đôi khi họ có những dự định, kế hoạch chi tiêu trong dịp Tết, nhưng khi nhận tiền thưởng không đúng như kỳ vọng, có thể cũng gặp sang chấn tâm lý, dễ gây xung đột và góp phần làm tăng căng thẳng.
Sự hỗ trợ từ người thân sẽ giúp giảm căng thẳng, áp lực trong những ngày cuối năm. Ảnh minh họa.
“Stress và rối loạn lo âu nếu được phát hiện, can thiệp, giải quyết sớm có thể sẽ tự mất đi, thế nhưng nếu không được động viên, phát hiện kịp thời thì sẽ dẫn tới mất ngủ, trầm cảm, hay cáu gắt… Bất cứ ai khi có các biểu hiện như hồi hộp, tay chân đập nhanh, run vã mồ hôi, mất ngủ kéo dài, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh thì cần đi khám sớm”, bác sĩ Hồng Thu chia sẻ.
Để giảm bớt căng thẳng trong những ngày cuối năm, các bác sĩ cảnh báo mọi người cần tự loại bỏ cảm xúc buồn bã, tiêu cực và hướng đến suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Ví dụ như thay vì nhốt mình trong phòng, ngủ nướng, ôm điện thoại thì hãy mặc những bộ đồ thật đẹp, cùng cả nhà đi du xuân để có được những năng lượng tích cực nhất. Những điều nhỏ bé thực sự hữu ích, giúp cân bằng lại cuộc sống, giảm áp lực, stress đáng kể.
Đặc biệt, bác sĩ Hồng Thu tư vấn, sự quan tâm, lắng nghe và động viên kịp thời của người thân chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất. Đồng thời, mọi người cũng cần chăm lo sức khỏe thể chất của bản thân, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các vitamin và khoáng chất, tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích.