Cha mẹ ly hôn, người chịu nhiều tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng không chỉ bị ảnh hưởng tâm lý mà còn luôn thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Mới đây, trên MXH đang lan truyền bức thư của cô bé lớp 9 viết cho thầy giáo chủ nhiệm cũ để... nhờ gửi bức thư lại cho mẹ khiến ai cũng nghẹn ngào.
Theo nội dung bức thư, ngày cô bé viết ra những dòng tâm sự này cũng chính là sinh nhật của em. Không giống như bạn bè đồng trang lứa, đến ngày sinh nhật là được quây quần bên cha mẹ, được họ ân cần chăm sóc, được mua bánh kem, được tặng quà..., cô bé lại chỉ có ông bà ở bên bởi cha mẹ em đã ly hôn.
Đáng thương hơn theo lời chia sẻ đầy nghẹn ngào của cô bé, em biết mẹ mình đi làm xa và còn thường xuyên đăng ảnh với "chú kia" lên Facebook. Còn ba em thì đã có hạnh phúc mới, họ đã cưới nhau và có cho mình một đứa con. Dù còn nhỏ xíu, nhưng tự em cũng cảm nhận thấy tình cảm của mẹ kế dành cho mình chẳng ấm áp như mẹ ruột của em được.
Em chia sẻ: "Ba không cho con kêu dì. Ba nói dì xứng đáng là mẹ của con. Nhưng mẹ đó không thương con đâu thầy ơi! Mẹ đó la con lắm nên con muốn về với ông bà... Con nhớ mẹ... Mẹ gọi cho con rồi mẹ nói: Nếu mà con hư, mẹ sẽ không về thăm nhưng mà hết Tết rồi con cũng không thấy mẹ về. Phải chi mà ba với mẹ không ly hôn. Con sẽ giống như bao bạn bè khác! Con sẽ được ba mẹ đưa đến trường. Con không phải đi bộ một mình nữa".
Sau đó là yêu cầu khẩn khoản của em đến với thầy giáo cũ. Em mong thầy có thể gửi bức thư này đến với ba mẹ của mình bởi... em không biết nhờ ai ngoài thầy nữa. Em tủi thân nhiều vì ngày sinh nhật của em đáng lẽ ra phải được ăn bánh gato, được mở tiệc với bạn bè... thế mà ngày này lại "chẳng ai nhớ tới nữa". Mọi người chẳng ai chúc em, duy chỉ có thầy giáo cũ là làm điều đó.
"Bây giờ ba không còn là ba của con nữa, ba là ba của em. Em xinh lắm... Con không xinh được như em. Mẹ cũng không là mẹ của con nữa... Mẹ là bạn gái của chú kia" - những dòng chữ trong bức thư như xé lòng người đọc được.
Rồi những ước mơ nhỏ nhoi, tưởng chừng như là hiển nhiên mà mọi đứa trẻ đều được tận hưởng là "bố mẹ về thăm và dẫn đi học" lại là điều cô bé lớp 9 ước ao nhất trong ngày lễ sinh nhật của mình. "Con chỉ muốn có vậy thôi!", cô bé nói, "Con ước mình lớn thật nhanh thật nhanh để có thể ôm lấy mẹ... để có thể đến gần với ba hơn".
Người đăng bức thư đầy xót xa này là thầy T.V.L - giáo viên tại Quảng Nam. Được biết, cô bé viết thư có tên là H.A - là học sinh cũ của thầy. Theo lời chia sẻ của thầy, H.A học rất tốt và em cũng vô cùng ngoan ngoãn. Dành một tình cảm đặc biệt cho cô bé, nên khi nhận được bức thư của học trò cũ, thầy giáo đã khóc rất nhiều vì xúc động, vì thương em.
"Thật ra kèm theo bức thư này là một gói quà nữa. Đó là túi măng khô do em lấy về tự làm rồi gửi cho tôi. Đọc xong bức thư, tôi thương em lắm. Tôi cũng đã gọi điện cho bố mẹ em, biết là họ đã có hạnh phúc riêng nhưng vẫn mong phụ huynh của H.A quan tâm em hơn nữa", thầy xúc động nói.
Ngay sau khi được chia sẻ, bức thư xúc động của cô bé này đã khiến nhiều người nghẹn lòng, thậm chí có người còn bật khóc trước những dòng tự sự của em. Dưới bài viết là hàng loạt bình luận đồng cảm và động viên cô bé:
- Đọc mà nghẹn lòng... Thương con.
- Hậu ly hôn những đứa trẻ là người thiệt thòi và tổn thương nhiều nhất, con hiểu chuyện quá lại làm người khác thấy đau lòng và thương con nhiều hơn.
- Cô bé còn nhỏ mà suy nghĩ chững chạc quá. Tội con, gia đình không trọn vẹn khiến con buộc phải lớn nhanh, không được vô tư như bao bạn bè đồng trang lứa.
- Những đứa trẻ biết điều là những đứa trẻ đáng thương nhất. Mình cũng là mẹ đơn thân. Biết con thiếu thốn tình cảm nên mình luôn bù đắp con bằng mọi giá.
Đọc xong bức thư, chắc hẳn ai cũng cảm thấy thương cảm, xót xa với một cô bé ngoan, hiểu chuyện mà lâu nay phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Có một tình yêu thương cao cả nhất trên cuộc đời này, không bao giờ phai nhạt đó chính là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Đừng đánh mất đặc quyền được yêu thương đó của con trẻ bởi giống như một chiếc gương phản chiếu, khi cha mẹ vui con cái sẽ hạnh phúc, khi cha mẹ đỗ vỡ con cái sẽ tổn thương...
Bức thư cũng là lời chuông cảnh tỉnh bậc phụ huynh hãy nghĩ tới cảm xúc của con cái, hãy nghĩ tới sự tổn thương mà trẻ phải gánh chịu trước sự đỗ vỡ của một nơi từng được gọi là tổ ấm. Bởi sau tất cả, người tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ.