Cây tầm bóp là gì?
Cây tầm bóp (cây thù lù cạnh, cây lồng đèn) có tên khoa học là physalis angulata, thuộc họ Cà, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở Việt Nam, cây tầm bóp thường mọc hoang quanh năm mở ven ruộng, vườn. Quả tầm bóp có hình giống cái đèn lồng, khi chín có màu rất đẹp, vị hơi chua được dùng để ăn hay làm thuốc chữa bệnh.
Cây tầm bóp có vị đắng, tính mát, không độc, được chế biến thành nhiều món ăn và mang đến hương vị đặc trưng. Y học Cổ truyền thường dùng cây tầm bóp để làm dược liệu chữa các bệnh thường gặp. Cây được thu hái cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong 100 gam quả tầm bóp có chứa: 205 kcal, 11 gam carbohydrate, 0.5 gam chất béo, 0.9 gam protein, 0.5 gam chất xơ, 12 mg canxi, 1.3 mg sắt, 8 mg magie, 39 mg photpho, 0.1 gam kẽm, 28 mg vitamin C cùng nhiều dưỡng chất khác. Nhờ các thành phần dinh dưỡng và dược tính nói trên, ngày nay, việc sử dụng cây tầm bóp để chữa bệnh đã trở nên phổ biến.
Cây tầm bóp có mấy loại?
Tuy được sử dụng khá nhiều nhưng nhiều người vẫn thắc mắc cây tầm bóp có mấy loại. Bên cạnh đó, họ chưa phân biệt cây lu lu đực và rau tầm bóp nên thường nhầm lẫn hoặc cho rằng 2 loại này là một.
Cây tầm bóp và cây lu lu đực là 2 loại cây hoàn toàn khác nhau cả về hình dáng lẫn công dụng. Dưới đây là những điểm khác biệt để giúp bạn phân biệt 2 loại cây này.
Cách phân biệt cây lu lu đực và cây tầm bóp
Thân cây lu lu đực cao khoảng 50-80cm, lá hình trái xoan nhọn, phiến hơi phân thùy. Hoa mọc thành từng chùm, dạng hoa tán. Đặc biệt, hoa không mọc ra từ nách lá như các loài tầm bóp (Physalis) mà mọc ra ở phía trên của nách lá. Quả hình cầu, mọc thành chùm, khi chín có màu đen.
Cây lu lu đực có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Tuy nhiên, quả lu lu đực còn xanh có chứa độc tố Solanin, lá có chứa nhiều nitrate. Vì thế, nếu ăn phải quả xanh và lá tươi cây lu lu đực sẽ có thể gây sốt, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ. Muốn sử dụng cần phải luộc qua một nước, sau đó mới đem chế biến.
Trong khi đó, thân cây tầm bóp cao 50–90cm, lá hình bầu dục. Hoa học đơn độc, có cuống mảnh. Quả mọng, tròn, lúc non màu xanh, chín chuyển sang vàng. Bên ngoài được bọc một lớp vỏ mỏng giống như lồng đèn. Khi bóp quả tầm bóp, vỏ bọc của quả bị thủng sẽ phát ra tiếng nổ nhỏ, đặc điểm này cũng là nét đặc trưng riêng của cây và giúp mọi người dễ dàng phân biệt.
Quả và lá tầm bóp đều ăn được. Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, cây tầm bóp có hoạt chất chống ung thư, trị tiểu đường, lợi tiểu, chỉ khái, diệt khuẩn, virus, tăng cường hệ miễn dịch...
Cây tầm bóp có tác dụng gì?
Cây tầm bóp chữa bệnh gì?
Cây tầm bóp chứa nhiều dược tính, được dùng để chữa nhiều căn bệnh. Dân gian thường ăn quả tầm bóp chín để trị đờm, thanh nhiệt, trị thủy thũng. Ngoài ra, nhờ có chứa nhiều vitamin C, tiền vitamin A, công dụng của quả tầm bóp còn là phòng ngừa bệnh đường tiết niệu và viêm thận như sỏi thận, sỏi bàng quang và bệnh gout. Dưới đây là những tác dụng chữa bệnh của cây tầm bóp.
Cây tầm bóp chữa bệnh gan
Nghiên cứu tại Viện khảo cứu các hợp chất thiên nhiên thuộc Đại học Y khoa Kaohsiung (Taiwan) cho thấy cây tầm bóp (Physalis angulata) có nhiều hoạt tính chống ung thư gan.
Các dịch chiết toàn cây bằng nước và bằng ethanol được đánh giá về hoạt tính chống ung thư gan trên các dòng tế bào Hep G2, Hep 3B, PLC/PRF/5. Đồng thời, ghi nhận hoạt tính chống ung thư do gây ra hiện tượng tế bào tự hủy (apoptosis) phối hợp với những rối loạn chức năng của các mitochondria nơi màng tế bào bị ung thư.
Hàng ngày, nên uống nước tầm bóp để hỗ trợ hoạt động đào thải độc tố của gan cũng như ngăn ngừa ung thư gan.
Cây tầm bóp chữa bệnh tiểu đường
Theo Đông y, cây tầm bóp vị đắng, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khu đàm, chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết. Quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm. Dùng rễ tầm bóp tươi nấu với tim lợn và chu sa ăn có tác dụng trị bệnh tiểu đường.
Theo đó, dùng 20–30g rễ tầm bóp tươi nấu với 1 quả tim lợn và một ít chu sa. Dùng cách ngày và ăn từ 5-7 ngày để tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cải thiện đường huyết.
Bên cạnh đó, ở Ấn Độ người ta còn sử dụng cây tầm bóp làm thuốc lợi tiểu; lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày.Ở Africa, họ ăn lá cây đã được nấu chín hoặc dùng như một tấm băng để băng các vết thương bị nhiễm trùng.
Cây tầm bóp chữa thủy đậu
Cây tầm bóp còn được dùng để trị thủy đậu, các chứng cảm sốt, đau họng, ho có đờm. Chỉ cần dùng 20-40 gam tầm bóp khô, sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng liên tiếp từ 3-5 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Cây tầm bóp chữa bệnh ung thư
Cây tầm bóp chữa bệnh ung thư là điều mà ít ai ngờ đến. Nghiên cứu tại Đại học Houston (Hoa Kỳ, năm 2001) cho thấy chất flavonoid glycosid trích từ lá của cây tầm bóp có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác còn cho thấy các hoạt tính trong cây tầm bóp còn có tác dụng diệt được một số ký sinh trùng, đặc biệt nhất là Trypanosoma cruzi - tác nhân gây bệnh Chagas do rệp lây truyền; điều hòa hệ miễn dịch, giúp cải thiện các đặc điểm di truyền được chuyển từ cha mẹ sang con bằng mầm nguyên sinh, kích hoạt các tế bào T, gia tăng đáp ứng kháng thể…
Dân gian thường dùng bài thuốc từ cây tầm bóp để trị ung thư (ung thư phổi, ung thư gan, ung thư ruột, ung thư cổ tử cung, ung thư mũi – vòm họng). Theo đó, dùng 30 gam cành có mang hoa, trái và lá cây tầm bóp khô, nếu tươi thì lấy 100 gam, trộn với 20 gam bạch truật, 10 gam cát cánh, 10 gam mạch môn, 10 gam hoàng cầm, 4 gam cam thảo.
Mang tất cả dược liệu cho vào ấm, thêm 3 chén nước lọc, sắc còn 2 chén, chia ra mỗi ngày uống hai lần. Sử dụng trong vòng 15-20 ngày liên tiếp sau đó nghỉ 10 ngày rồi sử dụng liệu trình tiếp theo.