Đối với học sinh, thời điểm giao mùa dễ gây ra ho.
Có thể là biểu hiện bệnh lý nghiêm trọng
Ho là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Có khi điều trị đơn giản chỉ cần vệ sinh mũi họng, uống thuốc giảm ho hoặc loại trừ các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân tại chỗ như khói, bụi, nhiễm lạnh,... song cũng có khi rất khó khăn điều trị kéo dài.
Theo chuyên gia, ai cũng có thể bị ho nhiều lần và đó là điều bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp ho kéo dài không tự khỏi thì nó không còn được xem là bình thường nữa.
Đó có thể là triệu chứng của những bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm mà chúng ta không nên chủ quan như lao phổi, ung thư phổi hoặc một tình trạng viêm trong cơ thể. Đặc biệt, thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không kịp thích ứng nếu hệ miễn dịch yếu.
Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp phát triển mạnh, trong đó có các triệu chứng ho, nhất là đối với học sinh, việc tự chăm sóc bản thân còn chưa tốt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ho được coi là một biểu hiện bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp mà thông qua việc ho, nhiều virus và vi khuẩn có thể truyền nhiễm từ vật chủ này sang vật chủ khác dẫn đến nguồn cơn của những căn bệnh nguy hiểm.
Không phải lúc nào ho cũng là biểu hiện của những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải hiểu biết hơn về các đặc tính, các nguyên nhân dẫn đến ho để có thể ngăn ngừa và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Theo bác sĩ Hằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho là do virus, môi trường ô nhiễm, hen suyễn dị ứng, sử dụng chất kích thích,… Trong đó, ho do virus có thể là vì người bệnh bị nhiễm cảm lạnh, cảm cúm khi thời tiết giao mùa, hoặc môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Khi cơ thể hình thành phản ứng ho sẽ giúp loại bớt virus xâm nhập ra khỏi hệ hô hấp. Sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia hay đồ uống có cồn, nước hoa cũng là một nguyên nhân dị ứng, kích thích gây nên phản xạ ho. Bên cạnh đó, người bị hen suyễn rất khó để chữa dứt điểm, đây là bệnh mạn tính và bệnh nhân thường có biểu hiện ho, thở rít.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính. Quá trình đẩy dịch axit từ dạ dày lên họng và thanh quản sẽ gây kích thích dẫn đến phản ứng ho.
Tình trạng ho thường nặng hơn vào ban đêm do tư thế nằm của người bệnh khiến axit dạ dày dễ trào lên thực quản gây kích thích niêm mạc họng. Ngoài ra còn một số tác nhân khác như tác dụng phụ của thuốc, các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, ung thư,...
Bác sĩ Hằng cho biết thêm, có nhiều dạng ho, trong đó thường gặp là ho khan, ho có đờm… Khi ho không kéo theo chất nhầy hoặc đờm chính là biểu hiện của ho khan. Nguyên nhân dẫn đến ho khan chủ yếu là do tình trạng kích ứng đường thở từ các tác nhân như virus, dị ứng, khói bụi, khói thuốc, trào ngược dạ dày thực quản... và xuất hiện nhiều ở mọi lứa tuổi, thời gian kéo dài tùy thuộc vào tác nhân gây ho.
Ngược lại, ho có đờm là khi ho bật ra dịch của đường hô hấp, có thể dịch trong hoặc dịch đặc, màu trắng, hoặc vàng, xanh, nâu… Ho khạc đờm có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu gặp ở bệnh lý đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, lao phổi...
Tình trạng ho có đờm có thể đến từ từ hoặc nhanh chóng và thường đi kèm các triệu chứng khác như sổ mũi, hội chứng chảy nước mũi sau, mệt mỏi... Ho có đờm bao gồm 2 mức độ là ho cấp tính và ho mạn tính. Ngoài ra còn có trường hợp ho ra máu. Đây là biểu hiện cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi hoặc ung thư phổi.
“Ai cũng có thể bị ho nhưng dễ xảy ra ở các đối tượng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, dùng chất kích thích, bị bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh liên quan đến phổi hoặc hệ thần kinh. Bên cạnh đó, người bị dị ứng hoặc trẻ em do hệ miễn dịch non nớt cũng dễ bị mắc các bệnh về hô hấp. Người già do hệ thống hô hấp suy yếu, công nhân làm việc trong các nhà máy hạt nhân, mỏ than, hóa chất… cũng là đối tượng dễ mắc bệnh ho”, bác sĩ Hằng khuyến cáo.
Cha mẹ cần nhận biết tình trạng ho
Bác sĩ Nguyễn Anh Khoa (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, khi bị ho, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám, điều trị và tư vấn kịp thời, càng sớm sàng tốt, không nên quá thờ ơ vì có thể đó là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là tìm nguyên nhân để giải quyết, đó là biện pháp tích cực nhất. Đồng thời cần kết hợp điều trị triệu chứng ho vì ho làm cho người bệnh mệt mỏi, lo lắng, nhất là ho kéo dài.
“Không phải một loại thuốc ho tốt có thể điều trị mọi trường hợp. Có khi chỉ cần dùng thuốc ho long đờm, loãng đờm, tăng thể tích các chất tiết ra khí quản, vẫn cần duy trì phản xạ ho để tống đờm, nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn.
Hoặc dùng các thuốc ho tiêu đờm trong trường hợp ho có nhiều đờm hoặc các thuốc có kháng histamin trong các trường hợp ho kích ứng, ho do dị ứng. Chúng ta cũng có thể lựa chọn các thuốc ho và làm giãn phế quản trong trường hợp hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt. Vì vậy, không nên tuỳ tiện dùng thuốc”, bác sĩ Anh Khoa khuyến cáo.
Theo bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, đối với học sinh, để ngăn ngừa các bệnh về ho cần tăng cường tập thể dục, thể thao và các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, tăng sức đề kháng cơ thể với bệnh tật.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột thì quần áo cũng nên thay đổi kịp thời để tránh trường hợp cơ thể bị tác động hại từ thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Sử dụng khẩu trang, kính chắn bụi bẩn khi ở nơi công cộng, hạn chế đến những nơi đông người để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ lây bệnh.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bệnh cần bổ sung thêm các đồ ăn lành mạnh, uống nhiều nước và Vitamin để thanh lọc cơ thể, củng cố hệ miễn dịch.
“Không phải lúc nào ho cũng nguy hiểm và cần phải đến bác sĩ. Tuy nhiên, khi có các biểu hiện nghiêm trọng từ việc ho làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì phải điều trị sớm, tránh dẫn đến hậu quả khó lường. Mức độ nghiêm trọng từ việc ho cũng sẽ khác nhau dựa trên độ tuổi”, bác sĩ Nguyễn Anh Khoa nhấn mạnh đồng thời khuyến cáo, đối với trẻ em khi có các triệu chứng như ho dai dẳng, sốt, khó thở, mất nước, không thể nuốt thức ăn, cơ thể mệt mỏi, nhợt nhạt, tím tái... hay đối với người trưởng thành khi có các triệu chứng như ho kéo dài trong nhiều tuần nhưng không có biểu hiện thuyên giảm, ho ra máu, sốt cao hơn 38ºC, ho dữ dội không ngừng gây khó thở, hay bị ợ nóng... Tất cả các trường hợp trên đều rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.
Cha mẹ cần lưu ý theo dõi để biết khi nào trẻ bị ho có thể chăm sóc, theo dõi tại nhà, khi nào cần đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực. Trong trường hợp ho do thay đổi thời tiết thì có thể điều trị tại nhà, đồng thời hạn chế tiếp xúc gần các tác nhân gây ho để giảm kích ứng đường thở.
Các bậc phụ huynh cần học cách đối mặt với những sự thay đổi sức khỏe của trẻ, hiểu được tiếng ho của trẻ để phân biệt khi nào là ho do thay đổi thời tiết, ho để tống dị vật ra ngoài, ho do bệnh giao mùa hay bệnh lý nghiêm trọng để có thể xử trí phù hợp.
Không nên để bản thân mất bình tĩnh khi trẻ bị ho, đôi khi đó chỉ là phản ứng bình thường nên hãy để trẻ được ho để cơ thể dần trưởng thành và phát triển. Với những trẻ có hệ miễn dịch yếu thì khi thời tiết thay đổi sẽ rất dễ bị ho do nhiều và khó điều trị dứt điểm.
Tuy nhiên, nếu là ho do thay đổi thời tiết thì cha mẹ không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ ấm cơ thể trẻ và hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh để ngăn ngừa nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh và gây ra tình trạng trẻ bị ho.
Thời tiết chuyển mùa khiến nhiều người mắc các bệnh hô hấp như ho, cúm, viêm họng, cảm lạnh và bệnh mạn tính tái phát. Vì vậy, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mỗi ngày là cách hiệu quả để ngăn ngừa các căn bệnh này. Có 4 cách giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh lúc giao mùa: Chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng; Cải thiện chất lượng giấc ngủ; Tập thể dục đều đặn và giảm căng thẳng.