Với hương vị đậm đà, nước mắm làm dậy lên sự ngon miệng trong các món ăn. Là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Dù vậy, những người mắc bệnh này nên hạn chế sử dụng.
Những ai không nên dùng nhiều nước mắm?
Những người bị suy thận mạn tính
Người bị suy thận mạn tính bắt buộc phải có chế độ kiêng muối. Nghĩa là không những bắt buộc không được cho thêm muối vào thức ăn mà còn phải kiêng cả các loại thức ăn có chứa nhiều muối như khô, mắm, tương, chao…
Bệnh nhân đã bị bệnh thận nếu ăn nhiều muối sẽ suy sụp nhanh hơn, ngược lại nếu ăn ít muối thì chức năng thận được cải tạo tốt hơn. Không chỉ có thế, muối còn là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thận nhiễm mỡ.
Người bị bệnh cao huyết áp
Nước mắm chứa hàm lượng natri rất cao, là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với những người mắc bệnh cao huyết áp. Natri trong muối ăn và nước mắm có thể làm tăng áp lực máu, gây tổn thương tim và mạch máu. Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều natri, sự giữ nước trong mạch máu sẽ tăng, gây áp lực lớn lên thành mạch, dẫn đến tình trạng huyết áp cao.
Những người có tiền sử cao huyết áp hoặc có nguy cơ mắc bệnh nên hạn chế nước mắm trong bữa ăn hàng ngày. Thay vào đó, họ có thể chọn nước mắm giảm mặn hoặc các gia vị khác ít natri để giữ sức khỏe ổn định.
Người mắc bệnh tim mạch
Bệnh tim là bệnh có số người mắc phải rất cao trong xã hội hiện nay. Bệnh tim nếu không được phòng tránh và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, có thể nguy hiểm tính mạng.
Với những người bị bệnh tim, hạn chế ăn mặn là điều rất cần thiết. Hạn chế ăn mặn có thể giúp những người suy tim, tăng huyết áp giữ tình trạng sức khỏe ổn định. Một bệnh nhân tim chỉ nên ăn 2 muỗng muối trong một ngày tính cả lượng gia vị nêm nếm.
Người bị bệnh dạ dày
Những người mắc bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm thực quản, hoặc trào ngược axit cần tránh tiêu thụ nước mắm. Lý do là vì nước mắm có tính mặn và axit mạnh, có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây kích thích và làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng như đau bụng, ợ chua, và khó tiêu.
Người bị bệnh dạ dày nên tránh các loại gia vị quá mặn hoặc có tính axit cao như nước mắm để bảo vệ niêm mạc dạ dày và tránh tái phát các triệu chứng đau đớn.
Người bị tiểu đường
Tâm lý phổ biến của người bệnh tiểu đường là “cảnh giác” cao độ với đường và thức ăn ngọt nhưng lại không kiểm soát lượng muối và các gia vị có vị mặn. Đây là một sai lầm cần phải tránh trong chế độ dinh dưỡng điều trị bệnh.
Tiểu đường thường đi kèm với tăng cholesterol, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ bệnh lý về tim mạch, huyết áp, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Do đó, người bệnh cần kiểm soát tốt mức năng lượng hấp thụ vào cơ thể: Mức năng lượng chỉ khoảng 1.500 kcal một ngày và phải ăn càng nhạt càng tốt.
Lưu ý khi dùng nước mắm
Không dùng nước mắm để qua đêm
Không nên sử dụng nước mắm đã pha chế qua đêm. Vì khi pha chế để chấm, nước mắm được bổ sung nhiều thành phần khác như đường, nước lọc, ớt, chanh, hoặc dính thức ăn thừa (rau, thịt, cá) và cả vi khuẩn từ đũa thìa. Các yếu tố trên làm nảy sinh chất độc gây hại cho cơ thể, đặc biệt khi bạn để nước mắm qua đêm trong điều kiện nhiệt độ môi trường bên ngoài.
Không nên ăn nước mắm quá nhiều
Trong nước mắm có chứa hàm lượng muối rất cao, vì vậy các gia đình nên tránh lạm dụng nước mắm để kiểm soát lượng muối tiêu thụ. WHO khuyến cáo chỉ nên dùng 5gr muối/người/ngày. Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, bạn cũng nên chọn mua những loại nước mắm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, tránh mua những loại bán trôi nổi sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.