Tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), bé N.K.H. (6 tháng tuổi, ở Hà Nội) đang được các y bác sĩ chăm sóc. Gia đình cho biết, trước đó bé có biểu hiện sốt cao. Sau 2 ngày điều trị tại nhà, người thân thấy bé xuất hiện các triệu chứng mới như nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều nên đưa đến BV thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.
TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh lại xảy ra quanh năm. Chỉ riêng tại BV Nhi TƯ, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 bệnh nhi phải nhập viện điều trị do mắc sởi.
Còn theo Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2018, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2-6 ca bệnh sởi/tuần. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6/2018 đến nay, mỗi tuần có 20 bệnh nhân nhập viện do sởi.
Trước tình hình dịch bệnh sởi đang gia tăng, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh; kịp thời triển khai giải pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng. “Hiện nay, thành phố đã tổ chức tiêm chủng hàng tuần thay vì hàng tháng như trước để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch”, ông Hạnh nói.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh sởi để tránh lây nhiễm chéo trong BV. Đồng thời, tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh.
Để phòng tránh bệnh sởi, TS Nguyễn Văn Lâm cho rằng, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Theo đó, đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%; tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95%. “Nếu trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, bác sĩ Lâm nói.
Cũng theo bác sĩ Lâm, nếu trẻ bị sởi mà gia đình đủ điều kiện chăm sóc và cách ly thì có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Gia đình cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi. Luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. Giúp trẻ giữ vệ sinh thân thể, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.
Để tránh bệnh lây lan, phụ huynh không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Khi thấy trẻ sốt cao hoặc bất thường, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Như Ngọc