Mùa hè đã đến, cùng với đó là những ngày dài hơn. Đây là dịp để bạn có thể ra ngoài, đi biển, cắm trại… cùng với gia đình, bạn bè sau những dịp lỡ hẹn vì bận rộn công việc, học tập. Đây là khoảng thời gian bạn có thể dễ bị bệnh hơn bao giờ hết vì những tác nhân chủ quan và khách quan.
Hãy cùng điểm qua những mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè để biến cách phòng tránh.
Say nắng và kiệt sức vì nóng
Đây là mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè hàng đầu. Nhiệt độ ngoài trời tăng quá nhanh không chỉ mang lại cảm giác không thoải mái mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ít nhất có hơn 65.000 người Mỹ đã phải đi cấp cứu trong mùa hè vì shock nhiệt, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Cơ thể bị kiệt sức và say nắng là những bệnh nguy hiểm nhất liên quan đến nhiệt, nguyên nhân do cơ thể không được hạ nhiệt đúng cách khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ (như làm việc và tập thể thao ngoài trời).
Say nắng là một trường hợp kiệt sức vì nóng nhưng nghiêm trọng hơn. Tin tốt là chúng ta có thể ngăn ngừa tình huống này xảy ra.
Tiến sĩ Kim Knowlton, trợ lý giáo sư về sức khoẻ khoa học môi trường tại đại học Columbia, thành phố New York khuyên mọi người nên điều chỉnh lịch làm việc và làm chậm các hoạt động khi tham gia các hoạt động ngoài trời vào giữa trưa, khi mặt trời có xu hướng mạnh nhất.
Bác sĩ Knolton cũng khuyến nghị chúng ta nên kiểm tra bạn bè và hàng xóm để đảm bảo mọi người đều ổn. Đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, đây là hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao vào mùa hè. Hãy cảnh giác với sức khoẻ của mình, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi ngay lúc đó.
Một vài biểu hiện của hiện tượng say nắng chúng ta nên tham khảo:
- Nhiệt độ cơ thể tăng trên 39 độ C hoặc hơn.
- Người có cảm giác nóng, đỏ, khô da.
- Mạch đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ý thức.
- Đổ mồ hôi nhiều, da nhợt nhạt, ẩm ướt, bị chuột rút.
Cơ thể bị mất nước
Chúng ta thường xuyên nghe lời khuyên uống nước nhiều hơn vào mùa hè. Tuy nhiên, khi bạn ra ngoài tắm nắng, tham gia các buổi tiệc mùa hè, chơi thể thao… sẽ làm chúng ta quên mất ưu tiên uống nhiều nước.
Quên cung cấp nước cho cơ thể trong thời gian quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ mất nước từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Biện pháp đơn giản phòng tránh mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè này chính là uống nhiều nước trong ngày, đặc biệt là khi chúng ta tham gia các hoạt động ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân, những người dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời, phải bổ sung ít nhất 500ml nước mỗi giờ. Hạn chế các hoạt động mất sức từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều, vì đây là thời gian mặt trời hoạt động mạnh nhất.
Cháy nắng và tổn thương da do ánh nắng mặt trời
Những ngày đầy nắng là điều tuyệt vời nhất của mùa hè, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè, cụ thể là làn da của bạn.
Theo cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA), phơi nắng quá nhiều mà không sử dụng kem chống nắng, bạn không chỉ bị cháy nắng nghiêm trọng mà còn gây lão hoá da với những nếp nhăn và đốm nắng, gia tăng nguy cơ bị ung thư da, một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở Hoa Kỳ.
Một lần nữa, các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế tối đa thời gian hoạt động dưới ánh nắng mặt trời. Quan trọng hơn, cần phải sử dụng kem chống nắng như một thói quen hằng ngày, dù cho ngày đó có nắng hay không.
Chúng ta nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số ít nhất là 30 SPF, chúng có thể ngăn ngừa được cả tia UVA và UVB để bảo vệ cho da cao nhất. Bạn nên thoa kem ở trước và sau cổ, ngực, phía sau đầu gối, tai, bàn chân… Bạn cũng nên trang bị thêm kính chống nắng để tia UVA và UVB không làm ảnh hưởng đến mắt.
Các tai nạn liên quan đến nước
Mùa hè không thể nào thiếu biển và hồ bơi. Tuy nhiên, bơi lội cũng mang lại nhiều nguy hiểm, từ nhiễm trùng, chấn thương do lặn hoặc đuối nước, đây là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em từ 1 đến 4 tuổi, theo báo cáo của CDC.
Mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè này càng tăng lên với sự phổ biến của điện thoại di động. Nhiều bậc phụ huynh do quá chú ý vào màn hình điện thoại mà không theo dõi sát sao khi trẻ em đang ở dưới nước.
Một số biện pháp để bơi lội an toàn theo Hiệp hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, đặc biệt khi đi bơi ở hồ bơi:
Bơi ở khu vực có người cứu hộ giám sát.
Bơi theo cặp, không nên chỉ đi bơi một mình.
Không cho trẻ em xuống hồ bơi nếu như không có sự giám sát của người lớn.
Người lớn cần tránh bị phân tâm khi đang giám sát trẻ ở dưới nước.
Cho trẻ em hoặc người chưa biết bơi mặc áo phao, tuy nhiên cũng không nên chủ quan khi đã mặc áo phao.
Nếu trẻ em mất tích, cần kiểm tra dưới nước đầu tiên. Mỗi giây đều quan trọng trong việc ngăn ngừa thương tật hoặc tử vong.
Thêm vào đó, nếu bạn thường xuyên bị nước vào tai khi bơi, nhiễm trùng tai, nên đeo theo nút bịt tai khi đi bơi.
Côn trùng cắn và sự lây lan của dịch bệnh
Khi tham gia các hoạt động leo núi hoặc khám phá thiên nhiên, đừng quên những vết thương do côn trùng cắn.
Nó không chỉ mang lại cảm giác khó chịu mà còn có thể truyền các bệnh nguy hiểm. Đặc biệt là muỗi và ve. Muỗi có thể truyền bệnh sốt xuất huyết hoặc virus, ve có thể mang đến 16 loại bệnh truyền nhiễm khác nhau, bao gồm cả bệnh Lyme (một chứng nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc chi Borrelia gây ra).
Để ngừa côn trùng cắn, bạn nên sử dụng thuốc chống côn trùng ngay cả trên những chuyến đi ngắn. Nếu bạn đang cắm trại, hãy cân nhắc việc xử lý trước lều hoặc võng của bạn bằng thuốc chống côn trùng.
Nếu có thể, hãy mặc áo tay dài và quần dài và nhét tất vào trong quần ngay cả khi trời nóng. Ngoài ra, hãy chắc chắn kiểm tra bản thân, cộng với bạn bè, gia đình và vật nuôi, để kiểm tra bọ ve sau các hoạt động ngoài trời.
Sau khi tham gia các hoạt động ngoài thiên nhiên, bạn nên xử lý quần áo bằng các sản phẩm có chứa 0,5% permethrin, một loại thuốc chống ký sinh trùng và côn trùng. Nếu bạn chơi trong khu vực nghi ngờ bị nhiễm ve, bạn nên tắm trong vòng hai giờ sau khi chơi và giặt quần áo với nước nóng, phơi đồ ở nhiệt độ cao.
Dị ứng phấn hoa
Chúng ta thường nghĩ chứng dị ứng phấn hoa chỉ xuất hiện vào mùa xuân. Tuy nhiên, nhưng nhiệt độ ấm lên cũng làm tăng sản xuất phấn hoa và kéo dài mùa dị ứng.
Phấn hoa lắng xuống các bề mặt chúng ta chạm vào, như chăn dã ngoại hoặc đồ đạc để ngoài trời, cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng da, hoặc viêm da tiếp xúc.
Để giữ cho nhà của bạn sạch sẽ, không dính phấn hoa, nên hút bụi, quét dọn nhà cửa thường xuyên. Quần áo, ga trải giường cũng nên giặt sạch hàng ngày.
Khi vừa ngoài trời về, bạn có thể sử dụng một miếng vải ẩm để loại bỏ phấn hoa khỏi tóc và da hoặc tắm ngay.
Ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm nhanh chóng ôi thiu cũng là mối nguy hại cho sức khỏe vào mùa hè hàng đầu. Thời điểm này, thực phẩm dù bảo quản cẩn thận đến mấy cũng nhanh chóng bị ôi thiu gây nguy cơ ngộ độc thức ăn.
Một số lưu ý khi bạn phải chuẩn bị đồ ăn vào mùa he:
- Nên cấp đông đồ ăn để bảo quản được lâu hơn.
- Tách gia cầm và hải sản khỏi thực phẩm khác để tránh nhiễm bẩn chéo.
- Rửa sạch dụng cụ nấu nướng, rửa tay thường xuyên khi chế biến thực phẩm.
- Đảm bảo đồ ăn đã được nấu chín kỹ trước khi sử dụng.
- Đồ ăn thừa cần được bảo quản lạnh để tránh hư hỏng.