Dấu hiệu say nắng, say nóng
Say nắng xảy ra với những người hoạt động ngoài trời nắng. Do bản thân trung tâm điều hòa thân nhiệt của con người bị tấn công. Các dấu hiệu thường gặp khi bị say nắng bao gồm sốt cao trên 39 độ C, da nóng và khô, người mệt lả, đau đầu, mặt đỏ. Một số triệu chứng như giảm khả năng đánh giá, rối loạn ý thức, mất định hướng, hôn mê… có thể xảy ra.
Say nóng thường xảy ra vào lúc xế chiều vì có nhiều tia hồng ngoại hoặc làm việc ở nơi nóng, ẩm ướt, thông gió kém hoặc không có thông gió, trời oi bức.
Nguyên nhân dfẫn đến hiện tượng nay do trung tâm điều hòa nhiệt của con người không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Do vậy triệu chứng của say nóng thường không điển hình, thường giống với nhiễm virus bao gồm: Mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, hoa mắt chóng mặt, nôn và buồn nôn.
Cách xử trí khi gặp người say nắng, say nóng
Bạn cần nhớ say nắng và say nóng khiến bệnh nhân tăng thân nhiệt và mất nước. Vì vậy, việc tiến hành hạ nhiệt, bù dịch cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi gặp trường hợp bệnh nhân say nắng, say nóng, bạn cần:
- Chuyển ngay bệnh nhân vào bóng râm, chỗ mát, thoáng gió.
- Cởi bỏ quần áo bệnh nhân.
- Cho uống nước mát, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như cổ, nách, bẹn.
- Nếu bệnh nhân hôn mê, không được cho uống nước.
- Hạ sốt bằng paracetamol nếu bệnh nhân có sốt cao.
- Nếu bệnh nhân hôn mê hoặc nôn liên tục, sốt liên tục, có thể kèm hoặc không các triệu chứng đau bụng, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân bị say nắng say nóng dễ mắc các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu…
Các biện pháp phòng tránh say nắng, say nóng
Để tránh không bị say nắng, say nóng, người dân đặc biệt là người già và trẻ em không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức.
Tránh các hoạt động quá sức.
Uống nước đầy đủ mỗi ngày, tối thiểu 8 cốc/ngày. Ngoài ra cần tăng cường uống nước hoa quả như dừa, dưa hấu…
Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng, sau 45 đến 60 phút làm việc liên tục bạn nên dành 15 đến 20 phút nghỉ ngơi dưới bóng râm để lấy lại sức.
Đối với các em học sinh, cần phải hoạt động ngoài trời như tập thể dục, thầy cô giáo cần chọn chỗ mát và cho các em học tập vừa sức, lưu ý những em mắc bệnh mạn tính.
Khi ra đường vào những ngày nắng nóng, bạn cần trang bị mũ nón, quần áo chống nắng. Nên hạn chế ra đường vào những giờ trời nóng đỉnh điểm như giữa trưa.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội