Gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp. Nguyên nhân do tăng nồng độ acid uric trong máu làm tổn thương đến các cơ quan khác nhau của cơ thể, hay gặp nhất là ở khớp.
Tại Việt Nam, bệnh gout đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Vào những năm 2003, tỷ lệ người mắc mới chỉ đạt 0,14% dân số. Thế nhưng đến năm 2014, hơn 10 năm sau, tỷ lệ này đã tăng lên 1% tương đương với khoảng 940.000 người mắc bệnh gout. Trong đó 96% là nam giới, 38% ở lứa tuổi 40, với 75% trong độ tuổi lao động. Hơn 50% bệnh nhân gout có tăng huyết áp và các bệnh rối loạn chuyển hoá khác.
Theo ghi nhận tại các bệnh viện tình trạng bệnh nhân gout bị biến chứng nặng khá phổ biến với vòng xoắn bệnh lý phức tạp, gặp bế tắc trong điều trị. Thậm chí nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá bệnh gout ở Việt Nam có những ca rất nặng mà hầu như ít gặp ở các nước phát triển.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay tuổi thọ trung bình ở Việt Nam tăng khá cao, ở mức 74 tuổi nhưng chất lượng cuộc sống chưa thực sự tốt.
Thậm chí có nhiều ca bệnh gout nặng hơn so với các nước châu Âu không phải vì thiếu thuốc điều trị, có thể do nhận thức, ý thức điều trị bệnh nhân còn rất thấp. Bệnh trở nặng phần lớn do không điều trị hoặc điều trị sai cách.
Trường hợp bệnh nhân L.V.N 65 tuổi trú tại Bình Dương, Đông Triều, Quảng Ninh là ví dụ điển hình.
Có tiền sử bệnh gout nhiều năm nay, ông thường xuyên tự mua và uống thuốc giảm đau mà không có sự kê đơn hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
Gần đây tình trạng sưng đau các khớp không thuyên giảm mà người bệnh còn xuất hiện đau bụng vùng thượng vị, đại tiện phân đen, hoa mắt chóng mặt, đi lại không vững, được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh niêm mạc nhợt, đại tiện phân đen, huyết sắc tố thấp 68g/l (chỉ số bình thường là từ 120-150g/l).
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp chảy máu tiêu hóa mức độ nặng nghi do loét dạ dày tá tràng ở người bệnh có tiền sử bệnh gout kèm theo. Người bệnh được chỉ định truyền máu, dùng thuốc cầm máu, nội soi dạ dày tá tràng cấp cứu để chẩn đoán và can thiệp.
Khi tiến hành nội soi cho người bệnh, bác sĩ quan sát thấy tại vùng tiền môn vị dạ dày có ổ loét sâu, kích thước khoảng 40 mm, có cục máu đông lớn, nguy cơ chảy máu tái phát cao, không còn khả năng can thiệp qua nội soi, ngoài ra còn vài ổ loét nông nhỏ khác kích thước 5 – 6 mm.
Người bệnh được tiếp tục điều trị nội khoa bằng dùng các thuốc cầm máu, theo dõi sát tình trạng bệnh, nếu còn tình trạng chảy máu tiếp diễn người bệnh sẽ phải đối diện với cuộc phẫu thuật để cầm máu.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương – Khoa Nội Tiêu Hóa Bệnh viện Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, đây là một trong nhiều trường hợp người bệnh có các bệnh lý đau xương khớp tự mua thuốc giảm đau uống không đúng chỉ định, liều lượng và để lại hậu quả cho chính sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Hiện tại sau 2 ngày điều trị nội khoa, tình trạng người bệnh đã ổn định, không có dấu hiệu chảy máu thêm, chỉ số huyết sắc tố ổn định. Song song với việc điều trị, các bác sĩ cũng lên phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong trường hợp người bệnh có tình trạng chảy máu tiếp diễn để tiến hành phẫu thuật.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi có vấn đề về sức khỏe, cần được sự thăm khám, tư vấn và kê đơn từ bác sĩ. Đặc biệt với người bị bệnh gout tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh những hậu quả khôn lường cho sức khỏe.
Đối với người chưa mắc bệnh gout, để phòng tránh nhiễm bệnh các bác sĩ khuyến cáo:
Không ăn thức ăn có chứa nhiều purin. Theo đó, các thực phẩm cần hạn chế là phủ tạng động vật có thể kể đến như gan, lòng, cật, tim, tiết. Thịt đỏ, thịt muối, phô mai, tôm, cua cũng là những nguồn thực phẩm giàu purin. Ngoài ra cần tránh nấm và một số thực vật có hàm lượng purin tương đối cao như đậu hạt các loại.
Tránh rượu bia, chất kích thích: Hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và chất kích thích. Vì chúng có thể làm suy giảm chức năng gan thận, dẫn tới mất cân bằng trong chuyển hóa acid uric của cơ thể.
Uống nhiều nước mỗi ngày: Nên uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để tăng cường hoạt động của hệ bài tiết, thải độc tố ra ngoài cơ thể.
Tuyệt đối không nên nhịn đói: Nhịn đói, nhất là nhịn đói lâu ngày có thể làm nồng độ acid urid trong máu tăng cao. Do vậy nên ăn đủ bữa trong ngày theo đúng giờ giấc nhất định, tránh bỏ bữa.
Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi: Để bổ sung nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết. Vừa giúp tăng cường miễn dịch và phòng ngừa nguy cơ bệnh gout.