Nếu khôn khéo và tinh tế trong việc ứng xử, bạn cũng có thể giữ được của hồi môn của mình mà không phải chịu ấm ức. Quan trọng nhất là hiểu được tâm tính của mẹ chồng và khéo léo trong ứng xử để vẹn cả đôi đường. Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn đối phó được với việc mẹ chồng đòi giữ của hồi môn nhưng vẫn không làm mất lòng mẹ.
Hiểu được tính cách mẹ chồng
Phụ nữ hiện đại rất thông minh và tinh tế. Họ luôn tìm cách để hiểu được tâm tính của mẹ chồng trước khi kết hôn để có cách hành xử đúng mực. Để có thể đối phó với người mẹ chồng khó tính, bạn cần tìm hiểu trước bà là người như thế nào, thích những gì, ghét làm gì nhất, hay nói chuyện với ai và dễ động lòng bởi điều gì. Những điều đó vô cùng quan trọng.
Bạn có nhiều thời gian để làm việc này trước khi về nhà chồng. Bạn được tiếp xúc và gần gũi với mẹ chồng trong những lần cùng chồng về nhà trước khi cưới. Những lần như thế, hãy mạnh dạn nói chuyện với mẹ chồng bạn nhiều hơn, hãy cố gắng tìm hiểu để tránh xa những thứ mà bà ghét, hiểu được tâm tính của bà và có những hành xử an toàn nhất có thể.
Những điều này có vẻ hơi thực dụng, nhưng để mọi việc trong nhà diễn ra suôn sẻ mà bạn vẫn có thể sống vui vẻ, hạnh phúc, hãy cố gắng làm điều đó.
Chuẩn bị sẵn các lý do để từ chối
Nếu bạn phát hiện ra rằng mẹ chồng quan tâm đến số của hồi môn của bạn, hãy chuẩn bị sẵn cho mình những lý do thích hợp nhất để từ chối. Có hàng ngàn, hàng vạn lý do chính đáng để bạn qua mắt mẹ chồng mà không làm mất lòng ai.
Có không ít những trường hợp mẹ chồng đòi giữ của hồi môn ngay trong đêm tân hôn. Điều đó có thể xảy ra với những người mẹ chồng thực dụng. Bởi đây là thời điểm bạn mới về nhà chồng và số của hồi môn vẫn còn giữ mà chưa làm gì khác. Nhưng đừng cuống lên khi gặp phải sự việc này. Hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp hợp lý nhất nhé.
Có câu chuyện của một nàng dâu mới được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rằng cô ấy đã làm như thế nào để có thể đối phó với mẹ chồng đòi giữ của hồi môn. Trước khi về nhà chồng, cô đã mang theo một chiếc két sắt mini để sẵn những vật giá trị trong đó. Khi mẹ chồng hỏi về số của hồi môn trong ngày đầu tiên về nhà chồng, cô đã nhẹ nhàng bảo với mẹ rằng: "Số của hồi môn đấy, con đã cẩn thận cất trong két sắt của mình nên không sợ bị mất".
Những ngày tiếp theo, mẹ chồng lại tiếp tục gặng hỏi số tiền hồi môn đó để mượn cho chú sửa nhà, cô lại khôn khéo từ chối bằng cách nói: "Con đã gửi tiết kiệm ngân hàng rồi nên không sợ thất thoát mà lại có lãi". Thế là mẹ chồng đành bỏ cuộc mà vẫn không phàn nàn được điều gì.
Các bạn thấy đấy, có rất nhiều cách, rất nhiều lý do để các bạn có thể từ chối khi mẹ chồng đòi giữ của hồi môn. Đừng làm ầm mọi chuyện, cũng đừng bị đồng tiền chi phối, chỉ cần bạn khôn khéo một chút thôi, mọi việc sẽ lại đâu vào đấy.
Luôn cẩn trọng trong mọi hành xử
Các cụ xưa thường nói: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Nhiều khi không cẩn thận, con dâu và mẹ chồng lại nảy sinh những bất đồng, cãi vã chỉ vì chuyện của hồi môn. Đó cũng là lý do bạn nên học cách kiềm chế cảm xúc và tìm những giải pháp ứng xử an toàn hơn. Là con dâu, hãy biết nhường nhịn mẹ chồng, đặc biệt là lúc mới về nhà chồng. Làm gì, nói gì, hành xử như thế nào cũng cần phải cân nhắc trước sau để giữ gìn hòa khí, để mọi việc trong nhà ổn thỏa, bản thân mình không phải chịu ấm ức mà mẹ chồng cũng không thể kiếm cớ, phàn nàn.
Những chuyện xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở. Tuy nhiên, người phụ nữ hiện đại có thể sử dụng trí thông minh, sắc sảo của mình để đối phó với những bà mẹ chồng khó tính.