Tật nói lắp hay xảy ra ở trẻ tập học nói, nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ, có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não nhưng có giả thuyết lại cho rằng nói lắp là do yếu tố tâm lý chi phối vì khi người ta càng mất bình tĩnh, giận dữ... thì tật nói lắp càng trầm trọng hơn.
Khi mắc tật nói lắp, can thiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, khi con nói lắp, bố mẹ càng cố gắng chỉnh sửa đôi khi lại gây tác dụng ngược, can thiệp đến tư duy ngôn ngữ tự nhiên của trẻ. Nếu cộng thêm những bình luận không tốt, thái độ chỉ trích, trẻ càng căng thẳng, tự ti và mức độ nói lắp nặng thêm. Vì vậy, nếu tật nói lắp do yếu tố tâm lý, để khắc phục, cần phải tập tính tự tin trước đám đông, không tự ti, mặc cảm, tập kiềm chế cảm xúc, phải kiên trì tập luyện và lạc quan.
Hiện nay, có nhiều trường phái trị liệu nói lắp như: nắn chỉnh cách nói, sử dụng các bài tập nói kết hợp với tập thở bằng cơ hoành. Thứ hai là khuyến khích người bệnh sử dụng các từ không bị lắp, dần dần tăng lên, phát triển rộng ra các từ trước đây hay lắp, có thể hát theo nhịp điệu, đọc bài quen thuộc kết hợp với tập thở và tư vấn tâm lý... Và thường quá trình luyện tập, cần được bác sĩ hướng dẫn cho bố mẹ để cùng con luyện tập ở nhà. Quá trình này cần thật kiên nhẫn, kiên trì và bố mẹ có sự cầu tiến, đúng phương pháp. Đối với trường hợp con chị, cần đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để các bác sĩ khám và điều trị cụ thể.