Theo India Times, nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Y tế Luxembourg (Luxembourg) thực hiện, được trình bày tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) ở Bồ Đào Nha.
Tiến sĩ Aurelie Fischer và các đồng nghiệp tại Viện Y tế Luxembourg đã khảo sát 289 người (50,2% phụ nữ) vào thời điểm một năm sau khi họ được chẩn đoán mắc Covid-19. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 40,2, được chia thành 3 nhóm, dựa trên mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus: không triệu chứng, nhẹ và trung bình/nặng.
Người tham gia được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi chi tiết về việc liệu có gặp triệu chứng nào trong 64 triệu chứng Covid-19 kéo dài phổ biến.
Nghiên cứu phát hiện 6 trong 10 người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có ít nhất một triệu chứng của Covid-19 kéo dài một năm sau đó. Trong đó, mệt mỏi, khó thở và cáu kỉnh là những triệu chứng phổ biến nhất. Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện các triệu chứng Covid-19 không khỏi sau 15 tuần có khả năng kéo dài ít nhất một năm.
Ngoài ra, cứ 7 người tham gia có một người (14,2%) cho biết họ không thể nghĩ rằng mình sẽ mắc các triệu chứng kéo dài và cách đối phó với chúng.
Cụ thể, kết quả cho thấy 1/3 (34,3%) người cảm mệt mỏi sau một năm, 12,9% cho biết các triệu chứng hô hấp ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của họ và 54,2% có vấn đề về giấc ngủ.
Những người tham gia mắc Covid-19 trung bình/nặng có khả năng vẫn có ít nhất một triệu chứng sau một năm cao gấp 2 lần so với nhóm không có triệu chứng. Nhóm này cũng gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn so với những người không có triệu chứng (63,8% so với 38,6%).
"Những người mắc bệnh nhẹ có thể mắc ít nhất một triệu chứng trong một năm và có vấn đề về giấc ngủ, nhưng ở mức độ nhẹ hơn nhóm mắc bệnh vừa hoặc nặng", tiến sĩ Fischer cho biết.