Về mặt dinh dưỡng, cả cà phê phin và espresso nếu không cho thêm các thành phần khác thì đều có giá trị dinh dưỡng tương tự nhau, đều có chứa một lượng vitamin nhóm B, magie và mangan và giàu các chất chống oxy hóa.
Theo các nghiên cứu, cà phê có tác dụng giúp làm giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, bao gồm: tiểu đường type 2, Parkinson, dự phòng bệnh gan và một số loại ung thư.
Các chuyên gia đã so sánh espresso và cà phê pha phin thông thường, bao gồm về giá trị dinh dưỡng, năng lượng, lợi ích cũng như hàm lượng caffeine có trong từng loại cà phê.
Loại cà phê nào chứa nhiều caffeine hơn?
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, Nếu tính cụ thể, một ly espresso có chứa lượng caffeine cao gấp 5 lần cà phê phin thông thường.
Thông thường một ly espresso 30ml có chứa 40-75mg caffeine (tương đương với 60ml có thể chứa 127mg caffeine).
Trong khi đó, một ly cà phê phin 250ml mới chứa khoảng 85-125mg. Hàm lượng caffeine có trong espresso cao hơn do vậy có thể giúp bạn tăng năng lượng, tăng sự tỉnh táo nhiều hơn so với cà phê phin thông thường.
Cả 2 loại cà phê này cũng có thể được làm từ hạt cà phê đã tách caffeine (decaf). Trong trường hợp này, một ly 60ml espresso cung cấp 0,6mg caffeine và một ly cà phê phin 250ml cung cấp 2,4mg caffeine.
Năng lượng của espresso và cà phê phin
Mặc dù 2 loại cà phê này chứa chủ yếu là nước, nhưng không phải là không cung cấp năng lượng.
Theo RD, một ly 250ml cà phê phin cung cấp 2,4kcal, trong khi một ly espresso (60ml) cung cấp khoảng 5,4kcal.
Lưu ý rằng espresso có chứa nhiều năng lượng/1ml hơn cà phê phin vì đặc hơn. Ngoài ra, việc thêm kem, sữa hoặc đường vào các loại cà phê này cũng sẽ làm tăng năng lượng mà chúng cung cấp cho cơ thể.
Loại nào có nhiều chất chống oxy hóa hơn?
Cà phê có chứa chất chống oxy hóa như flavonoid và polyphenol có thể làm giảm tình trạng stress oxy hóa bằng cách loại bỏ các gốc tự do.
Đặc biệt, axit chlorogenic, axit caffeic và axit n-coumaric là những chất chống oxy hóa chính có trong cà phê.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng các chất chống oxy hóa có trong cà phê, bao gồm cả phương pháp pha và loại cà phê sử dụng.
Nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Foods chỉ ra rằng, phương pháp pha máy có ảnh hưởng đến hàm lượng khoáng chất và các chất chống oxy hóa có trong cà phê, cũng như ảnh hưởng đến độ axit của cà phê.
Chất lượng, tuổi, độ tươi của hạt cà phê, cách trồng, chăm bón, chất lượng đất trồng, thời gian rang, thời gian chế biến kể từ khi thu hoạch và quá trình tách hạt, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến các chất chống oxy hóa có trong cà phê.
Hạt cà phê càng để lâu, càng mất nhiều chất chống oxy hóa. Ngoài những yếu tố này thì chất lượng hạt cà phê ngay từ ban đầu cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Uống cà phê bao nhiêu là vừa đủ để không gây hại?
Một người bình thường có thể uống khoảng 250- 400mg caffeine (tương đương 2-3 ly) một ngày.
Một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng thì phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi uống cà phê. Cần lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa caffeine. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75 đến 165mg caffeine, trong khi cà phê khử caffeine chứa trung bình 2-7 mg.