Bỏng nước sôi nhẹ vẫn tử vong
Một bé trai 1 tuổi ở Trung Quốc đã mất mạng dù trước đó bị bỏng nước sôi không quá nặng. Trước đó, khi bé đang bò quanh nhà đã vô tình làm lật chiếc ấm chứa nước đun sôi khiến nước nóng đổ trực tiếp vào chân. Bé bị bỏng nước sôi mức độ 2, diện tích 10%. Vào viện điều trị ít ngày, gia đình đã cho con về và tới thầy lang ở địa phương lấy thuốc bôi.
Khi nghe lời giới thiệu của thầy lang khẳng định sau khi chữa trị chắc chắn đứa trẻ sẽ không bị di chứng. Bố mẹ của cháu bé đã rất vui mừng. Không ngờ, đắp thuốc lên, bé liên tục bị sốt cao. Ngày sau lại xuất hiện biểu hiện môi trắng bệnh, mắt trợn ngược nên vội đưa con vào viện nhưng đã quá muộn vì bé không thể qua khỏi.
Bé trai đã bị tử vong do nhiềm trùng vết bỏng nặng, sốc nhiễm trùng. Cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện ra vị thuốc của thầy lang làm từ thành phần như dầu mè, nhựa thông,… không đảm bảo vệ sinh đã dẫn tới sự việc đau lòng trên.
Việc sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng rất quan trọng. Ảnh minh họa
Thực tế, ở nước ta các bác sĩ ở khoa bỏng hay Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã không ít lần phải cảnh báo về trường hợp tự ý điều trị bỏng dẫn tới những biến chứng. Có trường hợp đang điều trị ở viện nhưng nghe theo mách bảo về nhà điều trị bằng các bài thuốc dân gian đắp lá, dùng tinh dầu dừa, oliu … dẫn tới nhiễm trùng vết bỏng. Trẻ tổn thương nặng nề hơn, thậm chí thiệt mạng sau đó không lâu. Có trường hợp lại vì thiếu kiến thức không biết sơ cứu ban đầu làm giảm tổn thương mà để trẻ khi vào viện trong tình trạng nguy kịch.
Một trường hợp đáng tiếc đã xảy ra dù trước đó bé bị bỏng nước sôi nhẹ là bé P, 15 tháng tuổi. Bé không may quơ phải bình thuốc của bà trên bàn nên bị nước trong bình đổ gây bỏng. Bỏng nhẹ, sau ở viện điều trị ít ngày, gia đình xin về tự điều trị bằng cách đắp lá vào những vùng bỏng của bé. Vài ngày sau, vùng bỏng của bé sưng tấy, có chỗ hoại tử mới được đưa vào viện trong tình trạng bị nhiễm trùng huyết. Mặc dù được bác sĩ cứu chữa tích cực nhưng bệnh quá nặng, gia đình đã phải đưa bé về.
Sơ cứu sai, tổn thương càng ăn sâu
BS Nguyễn Thống – nguyên Trưởng Khoa Bỏng (bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, tai nạn bỏng nước sôi, bỏng hơi chiếm tỷ lệ lớn trong các loại bỏng khi nhập viện. Trẻ nhỏ hiếu động nên càng dễ bị hơn. Nhiều trường hợp bỏng nặng không chỉ ảnh hưởng da mà còn tổn thương sâu lớp cơ, mạch máu làm thay đổi cấu trúc vùng bỏng. Nặng hơn, trẻ có thể tử vong hoặc tàn phế do di chứng bỏng.
Điều đáng nói, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con trẻ bị bỏng thường cuống nên không biết cách sơ cứu cho trẻ để giảm tổn thương. Nhiều người lại sơ cứu sai cách khiến vết thương ăn sâu thêm, gây biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị vừa mất thời gian, vừa tốn kém, thậm chí dẫn đến tử vong.
Chẳng hạn như việc tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian như đổ xì dầu, muối, đường trắng, rượu trắng, bôi tinh dầu dừa… lên vết bỏng của trẻ. Sai lầm hay gặp hơn cả là nghĩ rằng dùng nước đá lạnh sẽ giúp giảm tổn thương sâu do nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co, vết bỏng nghiêm trọng hơn. Bôi kem đánh răng cũng hay được sơ cứu khi bị bỏng nhưng trong kem đánh răng có chứa một lượng ít bazo, khi thoa lên vùng bỏng chỉ làm bệnh nhân đau đớn hơn.
BS Thống cũng khuyến cáo, trong các cách sơ cứu, chữa bằng lòng trắng trứng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất do thực phẩm này chứa nhiều vi khuẩn. Hay đắp các bài thuốc không rõ nguồn gốc, những lá cây không sạch lên vết bỏng dễ gây nhiễm trùng huyết nặng khiến bệnh nhân tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Sơ cứu ngay khi bỏng hãy xả vùng bỏng bằng nước mát
Các chuyên gia bỏng khuyến cáo, bên cạnh mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có một nguyên tắc sơ cứu khác nhau nhưng nguyên tắc sơ cứu bỏng chung cần thực hiện:
+ Khi thấy trẻ bị bỏng nước sôi cần ngay lập tức làm nguội vết thương bằng cách ngâm trong nước mát ít nhất 20 - 30 phút để dịu bớt cơn đau, giảm tổn thương sâu cho vùng da. Tuyệt đối đừng thêm đá vì có thể làm tổn thương thêm vùng da bị bỏng.
+ Dùng gạc sạch che vùng bỏng để giảm kích ứng bên ngoài và nhiễm trùng. Nếu nốt bỏng nhỏ và nhẹ, có thể tự quan sát tại nhà và lưu ý vệ sinh sạch sẽ. Còn vết thương lớn cần tới bệnh viện, không nên chọc vỡ các bọc nước để tránh nhiễm trùng.