Trẻ bị sốt xuất huyết có biểu hiện gì?
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn (Aedes aegypti) mang virus Dengue cấp tính truyền từ người bệnh sang người lành gây nên. Sốt xuất huyết bùng phát ở hơn 100 quốc gia với số ca mắc bệnh lên đến 50 – 100 nghìn ca mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp sốt xuất huyết vào nhóm bệnh truyền nhiễm cần được quan tâm hiện nay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trẻ bị sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao, khó hạ sốt, sau khi hết sốt sẽ có dấu hiệu sốt trở lại. Thông thường, trẻ bị sốt xuất huyết chỉ bị sốt, ít khi kèm theo các triệu chứng khác như ho, sổ mũi hay tiêu chảy.
"Hai ngày sau khi mắc bệnh phải tiến hành xét nghiệm máu để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh của trẻ, khi cần thiết có thể xét nghiệm máu nhiều lần", bác sĩ Khanh thông tin.
Cơ thể trẻ còn có biểu hiện xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, chảy máu chân răng, chảy máy cam, đau bụng âm ỉ hoặc buồn nôn.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, trẻ bị sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn. Khi chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà, cha mẹ nên cho con uống nhiều nước, hạn chế vận động, theo dõi các dấu hiệu bệnh để kịp thời đến bệnh viện.
Trẻ bị sốt cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, có thể dùng khăn nhúng nước ấm lau mát cho trẻ nhằm tránh các biến chứng co giật khi sốt cao.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cha mẹ lưu ý cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước cháo, nước canh…). Thức ăn cho trẻ cần được chế biến loãng để dễ tiêu hóa (cháo dinh dưỡng, súp rau củ…), ưu tiên các thức ăn giàu vitamin và chia thành nhiều bữa nhỏ. Không cho trẻ ăn thức ăn cay, thức ăn có màu đen hoặc đỏ.
Trường hợp trẻ nôn nhiều, nôn ra máu, có triệu chứng đau bụng vùng gan (phần sườn bên phải), chảy máu cam, đi tiêu ra máu cần đưa trẻ đến bệnh viện mặc dù đã hạ sốt.
Bác sĩ Khanh lưu ý các bậc cha mẹ tuyệt đối không dùng phương pháp dân gian cắt, lễ hoặc truyền cho trẻ bị sốt xuất huyết khi chưa cần thiết.
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết bùng phát, cha mẹ chần chú ý diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nhà và khu vực xung quanh. Nếu phát hiện muỗi sinh sôi nhiều tại nhà, cần tìm khu vực muỗi sinh sống và diệt hết lăng quăng thường xuyên và định kỳ.
Theo bác sĩ Khanh, một số khu vực trong nhà cha mẹ không để ý nhưng là nơi trú ẩn phổ biến của muỗi như: Hòn non bộ, bình hoa, chén nước chống kiến, các vỏ xe hoặc các vật dụng đọng nước quanh nhà khác.
Nhiều gia đình có thể sử dụng biện pháp sinh học thả cá ăn bọ gậy, lăng quăng để diệt muỗi và thường xuyên ngủ màn, sử dụng vợt điện, đèn bắt muỗi để phòng nguy cơ trẻ bị muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết.