Vôi hóa bánh nhau là gì?
Vôi hóa bánh nhau hay còn gọi là canxi hóa bánh nhau, là hiện tượng canxi lắng đọng giữa bánh nhau và cơ tử cung. Đây là dấu hiệu trưởng thành của thai, không phải thai bị thoái hóa. Trên siêu âm, bánh nhau được đánh giá mức độ canxi hóa với các cấp độ:
- Độ 0: Tuổi thai khoảng 31 ± 1 tuần;
- Độ 1: Tuổi thai 34 ± 3,2 tuần;
- Độ 2: Tuổi thai 37,6 ± 2,7 tuần;
- Độ 3: Tuổi thai 38,4 ± 2,2 tuần.
Tuổi thai càng lớn thì độ trưởng thành của nhau thai càng cao, nhưng ở mỗi người biểu hiện khác nhau, tùy mỗi người mà quá trình canxi hóa bánh nhau diễn ra nhanh hay chậm. Nhau thai vôi hóa độ 3 cho thấy, chức năng phổi đã bắt đầu hoàn thiện, em bé có thể dần thích nghi và hoàn toàn có thể sống khi ra ngoài môi trường.
Nguyên nhân bà bầu bị vôi hóa bánh nhau
Nguyên nhân chủ yếu khiến bà bầu bị vôi hóa bánh nhau là do bổ sung qua nhiều thực phẩm giàu canxi trong quá trình mang thai. Việc bổ sung canxi khi mang thai là cần thiết nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ khiến canxi lắng đọng trong bánh nhau.
Dấu hiệu nhận biết vôi hóa bánh nhau
Nếu mẹ bầu phát hiện cơ thể có những dấu hiệu sau đây, hãy đi khám ngay vì có thể mẹ bầu gặp tình trạng bánh nhau bị canxi hóa:
- Có cảm giác khô miệng
- Thường xuyên cảm thấy đau đầu và hay quên
- Các cơ hơi bị co cứng
- Tiểu tiện, táo bón nhiều lần.
Vôi hóa bánh nhau có nguy hiểm không?
Hầu hết các thai phụ khi đọc kết quả siêu âm thấy mình bị vôi hóa nhau thì rất lo lắng, sợ nhau thai vôi hóa nhanh, dinh dưỡng qua thai nhi sẽ chậm hơn, con hấp thụ dinh dưỡng ít đi. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi canxi hóa độ 3 một thời gian dài. Còn canxi hóa độ 1 và độ 2 hoàn toàn không ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của bánh nhau và em bé.
Nếu bánh nhau canxi hóa độ 3 xảy ra từ những tuần thai sớm sẽ khiến việc truyền dinh dưỡng từ mẹ sang con sẽ kém, thai nhi trong bụng hấp thụ được ít chất dinh dưỡng hơn, dẫn đến gây ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Trong đó hơn 78% thai nhi bị suy dinh dưỡng nặng kèm theo các triệu chứng bệnh đi kèm như bà bầu bị cao huyết áp, thai suy.
Trường hợp thai “vượt quá” ngày dự sinh sẽ có khả năng bánh nhau bị vôi hóa độ 3 hoặc nghiêm trọng hơn, có nguy cơ bị suy thai cao do thiếu oxy nghiêm trọng. Đặc biệt, những thai nhi lớn hơn 42 tuần tuổi, nhau thai bị lão hóa ngày càng nặng mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì phải đề phòng nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh, do các thai này cũng sẽ có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với các thai nhi khác.
Tại sao bác sĩ khuyên mẹ nên uống nhiều nước?
Đối với những mẹ bầu bánh nhau bị canxi hóa cần hạn chế ăn hải sản, thực phẩm giàu canxi để kiểm soát mức độ vôi hóa. Uống cà phê, nước ngọt hoặc một số thực phẩm có chứa axit photphoric giúp đào thải lượng canxi thừa ra khỏi cơ thể bà bầu. Đó là lý do vì sao bác sĩ khuyên chị em nên uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để tăng đào thải canxi khi được chẩn đoán vôi hóa bánh nhau.
Thêm vào đó, nếu thai dưới 33 tuần tuổi bị vôi hóa cấp độ 2 hoặc 3 thì thai phụ cần đi khám thai thường xuyên.
Với tất cả các thai phụ, kể cả chẩn đoán có vôi hóa hay không, cũng cần khám theo đúng chỉ định, theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Khi thai nhi đủ ngày đủ tháng (xác định thông đánh giá siêu âm về lượng nước ối, độ vôi hóa rau thai…) mà thai phụ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ có những chỉ định can thiệp kịp thời để tốt nhất cho sức khỏe mẹ và bé.
Có thể thấy, phần lớn trường hợp vôi hóa bánh nhau là bình thường, không ảnh hưởng đến chức năng của nhau thai cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu tình trạng vôi hóa bánh nhau xảy ra sớm mà không được phát hiện kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang