Sự thay đổi nhanh về nội tiết trong cơ thể, mẹ bầu sẽ có nhiều triệu chứng ốm nghén như mệt mỏi, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn hoặc nôn khi gặp một số mùi và thèm ăn thức ăn lạ...
Vì sao mẹ bầu bị ốm nghén?
Khi bị ốm nghén, đương nhiên sẽ làm mẹ bầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, thậm chí ở nhiều trường hợp nặng có thể gây mất nước và suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, thường ốm nghén không hề gây hại cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của triệu chứng ốm nghén là do nồng độ hCG tăng cao. hCG chính là một loại hormone có liên quan đến tình trạng ốm nghén. Đây là nguyên nhân chính khiến các cơn buồn nôn khó chịu kéo đến.
Một nguyên nhân khác là cũng góp phần gây ốm nghén là nhạy cảm với mùi. Theo đó, các mẹ bầu sẽ đột nhiên thấy rất dị ứng với mùi của thực phẩm, của hoa hoặc của một số hóa phẩm khiến họ cứ mỗi lần thấy là nôn liên tục. Ví dụ: mùi cá chiên rán, mùi nước xả, mùi hương hoa, mùi dầu mỡ, mùi hải sản, thịt, tỏi…
Ngoài ra, khi bắt đầu mang thai cơ thể mẹ bầu rất mệt mỏi, ăn uống kém. Do đó, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hiệu quả gây nôn ói. Đặc biệt, một nghiên cứu còn chỉ ra rằng những phụ nữ mang vi khuẩn Helicobactor pylori (HP) trong bao tử thường có triệu chứng buồn nôn và nôn mửa nhiều và lâu hơn. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như: lượng đường huyết giảm, chứng đau nửa đầu, căng thẳng, stress… cũng góp phần làm gia tăng ốm nghén.
Thông thường, ốm nghén sẽ bắt đầu từ tuần thứ 6 thai kỳ. Tuy nhiên, đối với một số người, hiện tượng này đến ngay từ tuần thứ 4 (trước khi người mẹ biết mình đã có thai). Hiện tượng này thường sẽ giảm dần ở quý 2 thai kỳ nhưng cũng có người bị ốm nghén suốt 9 tháng mang thai.
Những triệu chứng ốm nghén phổ biến nhất có thể kể đến là: Buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng, giảm cân, mất nước…
Về mặt sinh học, ốm nghén cũng có lợi. Theo đó, thai nghén có tác dụng bảo vệ thai nhi. Mặc dù phải hạn chế ăn nhiều loại thực phầm nhưng qua đó các mẹ có thể tránh các nguy cơ truyền bệnh cho bé qua đường thực phẩm. Bên cạnh đó, các bà bầu bị ốm nghén thường ít bị sẩy thai. Các nội tiết tố tăng cao trong giai đoạn đầu của thai kỳ được cho là để bảo vệ thai nhi khi đang còn non nớt.
Bí quyết vượt qua ốm nghén hiệu quả
Ốm nghén có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào song không phải là thường xuyên. Việc bạn có cảm giác buồn nôn là sự gia tăng hormone trong cơ thể.
Là một người bị ốm nghén nặng nhưng với kinh nghiệm bản thân khi là huấn luyện viên thể hình, từng huấn luyện cho nhiều bà bầu và lời khuyên của bác sĩ, Tracy Hồng Ngọc (27 tuổi), mẹ bầu hiện đang sống ở Mỹ có những chia sẻ, lời khuyên giúp các mẹ bầu vượt qua ốm nghén dễ dàng.
Tracy Hồng Ngọc chia sẻ, khi ốm nghén, các mẹ bầu nên cố gắng ăn mọi thứ có thể, chỉ kiêng các món dễ gây co bóp tử cung như dứa thơm, rau răm, rau ngót và các loại đồ sống tái, để có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho con. Cố gắng ăn nhiều nhất là rau, trái cây sau đó đến trứng thịt cá hải sản và ít nhất là cơm, bún, bánh mì (thực phẩm chứa tinh bột).
"Ngoài ra, các mẹ nên chia mỗi ngày ăn 3 phần rau, 2 phần trái cây hoặc nước ép, 2 phần thịt cá sữa, 1 phần tinh bột như cơm bún bánh mì để đa dạng khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, mình còn ăn vặt bằng rong biển sấy, các loại hạt và sữa chua. Nên duy trì và tăng lượng thức ăn lên thêm khoảng 300-500 calo mỗi ngày theo tuần thai.
Đặc biệt, đối với các trường hợp ốm nghén nặng, cần bổ sung vitamin B6. Ngoài ra không được để bụng đói, chia nhỏ bữa ăn ra thành 5-6 lần/ ngày, ngậm hoặc uống gừng, tránh ăn đồ chiên xào dầu mỡ và đồ cay hoặc những món khó tiêu hoá. Khi ói nhiều bị mất nước phải uống nước thật nhiều, tốt nhất là uống loại nước điện giải để bù lại khoáng chất và nước bị mất", mẹ bầu Tracy Hồng Ngọc chia sẻ thêm.
Ảnh NVCC